Không đặt nặng việc đánh giá học lực của học sinh mà chú trọng giúp các em có kiến thức tổng quát bằng hoạt động trực quan, khơi gợi niềm say mê, hứng thú học tập... là những điều mà "Tiết học ngoài nhà trường" mang lại cho học sinh khối lớp 12, Trường THPT Phủ Thông (Bạch Thông).
Dâng hương tại Khu di tích đồn Phủ Thông là một nội dung quan trọng của "Tiết học ngoài nhà trường". |
Trường THPT Phủ Thông có 154 học sinh lớp 12, chia làm 4 lớp. Đối với một số học sinh, Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học khá khô khan và khó tiếp thu. Nhận biết điều này, theo khung chương trình có bài dạy về truyền thống lịch sử địa phương, thầy giáo Nguyễn Thế Cường- Giáo viên môn Giáo dục quốc phòng và an ninh đã xây dựng nội dung, kết cấu tiết học theo phương pháp mới báo cáo và được sự đồng thuận cao của Ban Giám hiệu nhà trường. Thay vì giảng dạy trên bục giảng, thầy Cường cùng các em học sinh lớp 12 được hòa mình trong không gian lịch sử đầy tự hào của địa phương.
Vốn tinh nghịch, hiếu động là thế, nhưng khi dâng hương tại nghĩa trang hay được thuyết trình về bối cảnh, diễn biến, nội dung và ý nghĩa của trận công đồn Phủ Thông năm xưa, được tận mắt xem tư liệu, chứng tích lịch sử, các em lại rất thành kính, nghiêm trang. Điều này cho thấy sự hứng thú và hiệu quả của tiết học đối với học sinh trong một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Kết thúc tiết học, các em cùng nhau dọn vệ sinh trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Phủ Thông và Khu di tích đồn Phủ Thông, giáo dục thêm ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Em Nông Hoàng Yến, học sinh lớp 12D hào hứng: "Là người yêu thích môn Lịch sử nên khi nghe tin được học về lịch sử địa phương ngay tại thực địa em rất vui mừng. Trước đó mấy ngày, em đã chủ động tìm hiểu trước những kiến thức về Chiến thắng Phủ Thông để dễ tiếp thu bài giảng và chủ động hỏi kỹ về những điều mình còn thắc mắc. Theo em, đây là cách thức truyền đạt mang lại nhiều cảm hứng cho học sinh, dễ nhớ, dễ thuộc. Qua buổi học giúp em có thêm kiến thức lịch sử địa phương phục vụ cho kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh tới đây".
Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Thế Cường, các em học sinh được tìm hiểu kỹ hơn về vị trí, diễn biến, ý nghĩa của Trận công đồn Phủ Thông. |
"Ấn tượng của em về "Tiết học ngoài nhà trường" chính là những mô hình, hiện vật, hình ảnh về Chiến thắng Phủ Thông. Bây giờ em tường tận hơn Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng mang lại niềm tin, kinh nghiệm lớn cho bộ đội ta trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Hình thức dạy và học này cho chúng em cảm giác thoải mái hơn, trực quan hơn"- Em Hoàng Thành Đạt, học sinh lớp 12D chia sẻ.
"Tôi nhận thấy những giờ học "không tường" có ý nghĩa thiết thực và việc tạo niềm hứng thú về một điều các em chưa biết, về kiến thức khô khan là điều rất quan trọng; không chỉ giúp các em ghi nhớ, lĩnh hội nhanh bài học mà ngay cả giáo viên cũng có thêm động lực trong giảng dạy. Đây là kiểu lớp học thoát ra khỏi không gian trường lớp, đưa học sinh đến với những không gian phù hợp với mục tiêu chương trình, kiến thức; để rồi ở không gian đó, giáo viên tiến hành tổ chức hoạt động học tập, gắn lý thuyết với thực tiễn. Những tiết học này giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, biết ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập - tự do của dân tộc, thấy được trách nhiệm của mình với quê hương"- Thầy giáo Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử địa phương luôn được nhà trường quan tâm tổ chức với các hình thức như: Thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, thuyết trình về sự kiện, địa danh cách mạng, trò chuyện cùng những nhân chứng lịch sử... Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022 là lần đầu tiên Trường THPT Phủ Thông tổ chức giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh thông qua "Tiết học ngoài nhà trường" thuộc môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trực tiếp dự tiết học, tôi thấy các em rất chăm chú, nghiêm trang, tương tác tốt với giáo viên. Đây chính là thước đo cho hiệu quả môn học và cũng là cách thức đổi mới giáo dục. Từ thành công bước đầu này, nhà trường sẽ khuyến khích giáo viên có nhiều hơn những giờ học "không tường" ở nhiều môn học khác nhau nhằm đem lại cho học sinh cách tiếp cận kiến thức chân thật, sống động và hiệu quả nhất"./.
Xuân Nghiệp