Hoạt động của các xưởng sản xuất gỗ ván bóc ở Bạch Thông gặp khó khăn


Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều xưởng sản xuất gỗ ván bóc trên địa bàn huyện Bạch Thông hoạt động không ổn định, doanh thu giảm, thậm chí một số xưởng buộc phải ngừng hoạt động.


Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều xưởng sản xuất gỗ ván bóc trên địa bàn huyện Bạch Thông hoạt động không ổn định, doanh thu giảm, thậm chí một số xưởng buộc phải ngừng hoạt động.

Xưởng sản xuất ván bóc của ông Hoàng Văn Phào ở thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc vẫn gồng mình để duy trì hoạt động mặc dù đang gặp khó khăn về đầu ra.
Xưởng sản xuất ván bóc của ông Hoàng Văn Phào ở thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc cố gắng duy trì hoạt động mặc dù đang gặp khó khăn về đầu ra.


Toàn huyện có hơn 20 xưởng gỗ ván bóc, hoạt động tại các xã Cẩm Giàng, Tân Tú, Quân Hà, Nguyên Phúc, Dương Phong, Quang Thuận, Mỹ Thanh, đến nay đều rơi vào tình trạng khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông, riêng năm nay đã có 3 xưởng ngừng hoạt động, thậm chí chủ xưởng phải bán máy móc, thanh lý, có 8 xưởng tạm dừng. Còn lại các xưởng vẫn sản xuất nhưng chỉ mang tính chất thời vụ, cầm chừng để duy trì.


Ông Hoàng Văn Phào ở thôn Nam Yên ( Nguyên Phúc) có cơ sở gỗ bóc rơi vào tình cảnh như vậy, theo ông cho biết, cơ sở đi vào sản xuất từ năm 2018. Mới đầu khá thuận lợi vì nguyên liệu ổn định, đầu ra đảm bảo, xưởng còn giải quyết việc làm cho gần chục lao động địa phương. Tuy nhiên, theo ông Phào thì xưởng bắt đầu gặp trở ngại từ giữa năm 2019 bởi đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, lợi nhuận giảm rõ rệt. Cho đến đầu năm nay còn khó khăn hơn khi tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, nguồn hàng tiêu thụ  khó do hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, tác động của nhiều loại chi phí như thuế hải quan tăng, giá đầu ra thấp, lợi nhuận không đủ bù chi phí, dẫn đến hoạt động của xưởng lao đao. Ông Phào tính toán, khả năng năm nay sẽ lỗ  200 triệu đồng, trước khó khăn đó ông dự định vay ngân hàng để có vốn quay vòng, kéo dài sản xuất để chờ tín hiệu khả quan từ thị trường gỗ ván bóc.


Xưởng sản xuất gỗ ván bóc của chị Trương Thị Thấm ở xã Lục Bình, cũng đang phải cố gắng duy trì. Theo chị Thấm chia sẻ, thì năm nay do việc tiêu thụ khó khăn, giá bán ra thấp mà giá mua nguyên liệu lại cao nên kéo theo quá trình sản xuất không mấy thuận lợi. Theo tính toán của chị Thấm sản lượng năm nay giảm khoảng 30 - 40%, nhân công buộc cắt giảm từ 7 người xuống 4 người, vì việc làm không đều. Nguyên nhân là do tác động của nhiều mặt, trong đó ảnh hưởng của dịch bệnh Coivid-19, giá bán sản phẩm ra thấp, lợi nhuận không đủ chi phí nên buộc xưởng phải cắt giảm nhân công và một số khoản đầu tư. 

Đồng chí Hà Ngọc Bảo- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông cho biết: “Hầu hết các xưởng ván bóc đều đang gặp khó khăn chung, do nguồn hàng các xưởng phụ thuộc vào phía thị trường Trung Quốc, nên khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc lưu thông càng khó khăn. Ngoài ra, trên địa bàn nhiều xưởng mở ra, nguồn nguyên liệu bị cạnh tranh, giá mua nguyên liệu đội lên trong khi giá tiêu thụ giảm xuống thành ra người sản xuất không có lợi nhuận, buộc họ phải chuyển sang các hình thức kinh doanh khác hoặc đóng xưởng”.


Trước tình hình đó, hầu hết các chủ cơ sở mong muốn Ngân hàng tạo điều kiện vốn vay, giãn nợ… giúp họ có vốn quay vòng trong khi chờ thị trường gỗ ván bóc hồi phục./.
 

Thu Trang

Xem thêm