Khai thác cát trái phép gây sạt lở đất nông nghiệp

Chục năm trở lại đây, những ảnh hưởng của thiên tai và tác động tiêu cực của con người đã khiến diện tích đất nông nghiệp dọc theo bờ sông Cầudần bị xói lở. Người dân phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác.

Chục năm trở lại đây, những ảnh hưởng của thiên tai và tác động tiêu cực của con người đã khiến diện tích đất nông nghiệp dọc theo bờ sông Cầudần bị xói lở. Người dân phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất canh tác.

a
Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại cánh đồng Nà Dài đang bị sạt lở.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng sạt lở đất bên bờ sông Cầu hiện đang xảy ra nghiêm trọng và kéo dài hàng cây số, tại 4 tổ Bản Cạu, Chí Lèn, Tổng Nẻng, Khuổi Pái của phường Huyền Tụng. Ở những điểm sạt lở nặng, xuất hiện những hàm ếch ăn sâu vào trong phần đất đang trồng lúa của người dân. Tính từ mặt nước sông đến phần đất đang lở cao khoảng 3-5m, trông rất nguy hiểm. Hiện nay, những người dân có ruộng nằm cạnh bờ sông đang rất lo lắng vì ruộng canh tác của họ có nguy cơ bị mất.

Bà Hà Thị Niệm- người dân tổ Tổng Nẻng cho biết: Gia đình bà có gần 3 bung đất canh tác dọc bờ sông Cầu nhưng mùa mưa năm 2014, 2015, đã bị dòng lũ cuốn sạt lở mất 1.200m2 ruộng trồng lúa và hơn 1.000m2 bãi soi. Hiện giờ mấy trăm mét còn lại cũng đang trong nguy cơ sạt lở, nhưng gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác đành “khoanh tay đứng nhìn”. Cùng chung tình cảnh như bà Niệm còn có gia đình ông Hoàng Văn Vượng, cuộc sống vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Tình trạng sạt lở bên bờ sông Cầu tại địa bàn tổ Tổng Nẻng có mức độ nặng nhất. Sạt lở diễn ra lâu nay đã khiến hơn 2ha đất nông nghiệp của tổ bị cuốn trôi. Bà Hà Thị Danh- Tổ trưởng tổ Tổng Nẻng cho biết: Tổ có 93 hộ dân, sinh sống dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất 11ha. Khoảng chục năm nay trở lại đây, sau mỗi mùa mưa lũ, bình quân tổ lại mất đi khoảng 2.000m2 đất nông nghiệp. Với đà này, khoảng chục năm nữa người dân sẽ có nguy cơ không còn đất để canh tác.

Theo người dân cho biết, nguyên nhân gây sạt lở là do mùa lũ đến, nước thay đổi dòng chảy gây xói lở và ăn mòn nhiều diện tích đất nông nghiệp, tạo nên bên lở, bên bồi giữa hai bờ sông Cầu. Trước đây sông chỉ rộng khoảng 20m nhưng sau nhiều năm sạt lở nay đã lấn sâu vào bờ tạo nên bãi đá sỏi rộng hơn 50m giữa lòng sông. Cũng theo người dân, thực trạng sạt lở diễn ra nhanh hơn là do tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Theo quan sát của phóng viên, ngay sát bờ sông và trên cánh đồng Nà Dài vẫn còn dấu vết của những tàu cuốc, tàu hút và xà lan dùng để khai thác cát. Cát tặc còn đưa máy vào ruộng ngô của dân để đào đất, đãi cát.

Trao đổi về thực trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp của nông dân đang bị sạt lở nghiêm trọng, đồng chí Lưu Bá Quyền- Phó Chủ tịch UBND phường Huyền Tụng cho biết: Phường đã báo cáo lên thành phố và triển khai các biện pháp trước mắt nhằm hạn chế sạt lở đất trong mùa mưa lũ, như: Đầu mùa cạn huy động nhân dân làm kè nắn dòng, kè chống xói lở ở khu vực có nguy cơ sạt lở. Nhưng đến mùa nước lũ, toàn bộ công trình lại bị cuốn trôi hết. Địa phương không đủ kinh phí để đầu tư xây kè kiên cố hay nạo vét, chuyển đổi dòng chảy của sông Cầu theo nguyện vọng của người dân. Phường mong muốn thành phố và tỉnh có dự án để hỗ trợ địa phương bảo vệ đất sản xuất của dân.

Trong khi chờ đợi những biện pháp từ cơ quan chức năng, qua mỗi mùa mưa, hàng nghìn mét đất tiếp tục bị cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh nhai của người dân. Thiết nghĩ các cấp, các ngành liên quan cần khẩn trương vào cuộc, có giải pháp hữu hiệu chống sạt lở đất, để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.              

Thu Thảo

Xem thêm