Khởi sắc ở huyện vùng cao Pác Nặm

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Đón năm mới 2024, huyện vùng cao Pác Nặm vui mừng, phấn khởi với khí thế tự hào khi nhìn lại một năm đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được kết quả rất đáng trân trọng. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống tinh thần vật chất của Nhân dân tiếp tục nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Một góc trung tâm huyện Pác Nặm.

Một góc trung tâm huyện Pác Nặm.

Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ về nhiều mặt của các sở, ban, ngành của tỉnh, cùng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Pác Nặm tiếp tục đạt được kết quả khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Trong tổng số 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 của Pác Nặm có 29 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.

Một số chỉ tiêu đạt và vượt cao như: Tổng giá trị sản xuất trên 721 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước đạt 11,5 tỷ đồng, bằng 103,6% kế hoạch; sản lượng lương thực bình quân ước đạt 500kg/người/năm, đạt 100% kế hoạch; chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế đạt trên 61ha, đạt 122% kế hoạch; diện tích đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng/ha trở lên đạt 61,5ha, đạt 103% kế hoạch; trồng rừng 684ha, đạt 265% kế hoạch…

Lễ hội Mù Là hằng năm được tổ chức tại xã Cổ Linh với những nét đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc Mông, thu hút đông đảo người dân đến dự.

Lễ hội Mù Là hằng năm được tổ chức tại xã Cổ Linh với những nét đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc Mông, thu hút đông đảo người dân đến dự.

Từ nguồn vốn các chương trình MTQG, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án phát triển chăn nuôi như: 02 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa với quy mô 400 con/chu kỳ sản xuất của 01 dự án; 01 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt với quy mô 6.000 con/chu kỳ sản xuất, UBND các xã tiếp nhận và tổ chức thực hiện với 58 danh mục các dự án phát triển sản xuất cộng đồng như: Chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo; chăn nuôi lợn thịt bản địa, dê... với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 96 tỷ đồng.

Nhằm tạo việc làm cho người lao động, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 1.739 lao động, đạt gần 134% kế hoạch; tạo việc làm mới tăng thêm cho 560 lao động, đạt 124% kế hoạch. Công tác giảm nghèo được tăng cường chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án, đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả đánh giá số hộ nghèo giảm 2,68% (từ 52,42% xuống 49,74%). Thực hiện tốt các chế độ chính sách theo quy định, bảo đảm an sinh xã hội...

Theo đồng chí Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm: Trong năm 2023, huyện Pác Nặm đã có nhiều cố gắng trên tất cả các lĩnh vực và đạt được kết quả đáng mừng, vững tin bước vào năm mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Pác Nặm cũng còn gặp những khó khăn đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ chỉ ra, đó là: Thực hiện tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi hiệu quả chưa cao, diện tích, quy mô thực hiện còn nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, các hộ mới thoát nghèo dễ trở lại diện nghèo khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng cao còn khó khăn. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển mạnh; phát triển du lịch đã được tập trung chỉ đạo nhưng chất lượng, hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Các doanh nghiệp, HTX quy mô nhỏ, chưa đáp ứng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng liên kết sản xuất hạn chế, năng lực nội tại còn yếu.

Chợ trâu, bò ở xã Nghiên Loan mỗi phiên có hàng trăm con trâu, bò được giao dịch mua bán.Chợ trâu, bò ở xã Nghiên Loan mỗi phiên có hàng trăm con trâu, bò được giao dịch mua bán.

Năm 2024, huyện Pác Nặm đặt ra một số chỉ tiêu như: Phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 750 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 15 tỷ đồng. Chuyển đổi diện tích canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao tăng thêm 50ha. Diện tích đất ruộng canh tác đạt 100 triệu đồng trở lên/ha tăng thêm 60ha. Phát triển diện tích cây trồng có lợi thế, giá trị kinh tế 200ha. Tổng đàn đại gia súc trên 20.700 con. Diện tích trồng rừng 200ha. Tạo việc làm mới cho 600 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4% trở lên…

Các giải pháp được huyện đưa ra để nỗ lực thực hiện là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, nâng dần giá trị sản xuất trong cơ cấu kinh tế của huyện. Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch - dịch vụ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Xem thêm