Theo khuyến cáo của Công an tỉnh: Cháy rừng là một thảm họa gây thiệt hại lớn đối với tính mạng và tài sản của con người, tài nguyên rừng và môi trường sống. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn tiếp tục hanh khô kéo dài và có nhiều diễn biến bất thường, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân. Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), Công an tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo Nhân dân trong tỉnh, các chủ rừng tăng cường một số nội dung trong công tác PCCCR như:
1. Cần duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng, đảm bảo các nội dung sau:
- Có quy định, nội quy về PCCCR; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;
- Có phương án PCCCR quy định tại Điều 45 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Phương án chữa cháy rừng do tổ chức, UBND cấp xã lập phải gửi đến cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia ý kiến; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập PACC;
- Có các công trình PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất của từng loại rừng;
- Trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án PCCCR;
- Có lực lượng PCCC được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCCR theo quy định của pháp luật về PCCC.
2. Đối với các khu rừng có đường dây điện cao thế và công trình có nguy cơ gây cháy rừng: Phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
3. Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện:
- Biện pháp an toàn PCCC;
- Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 09 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều;
- Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.
4. Sử dụng lửa ở những cơ sở, công trình, công trường và nhà ở được phép bố trí ở trong rừng: Phải bảo đảm không để cháy lan vào rừng; sau khi sử dụng lửa phải dập tắt hết tàn lửa.
5. Chủ rừng phải có trách nhiệm trong công tác PCCCR
5.1. Trách nhiệm của chủ rừng là tổ chức.
- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng mình quản lý;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý;
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ PCCCR; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội PCCCR;
- Kiểm tra an toàn về PCCCR; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCCR và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCCR theo thẩm quyền;
- Đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng;
- Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCCR theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn PCCCR thuộc phạm vi quản lý;
- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;
- Thực hiện các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
5.2. Trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư
- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật;
- Kiểm tra an toàn về PCCCR; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về PCCCR và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về PCCCR;
- Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR theo quy định;
- Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCCR theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;
- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.
5.3. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hoạt động ở trong rừng, ven rừng.
- Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật.
- Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong phạm vi quản lý của mình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCCR.
- Phát hiện cháy, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng.
- Phối hợp với chủ rừng, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.
- Tham gia các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tích cực tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
5.4. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng.
- Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về PCCCR theo quy định của pháp luật.
- Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về PCCCR.
- Phối hợp với chủ rừng, các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.
- Tham gia các hoạt động PCCCR khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Bảo đảm an toàn về PCCCR khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.
- Không đốt rác tại các vị trí tiếp giáp ven rừng, khu vực có khả năng cháy lan vào rừng.
- Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.
6. Khi phát hiện cháy rừng căn cứ theo Điều 51 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện như sau:
- Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị sau đây:
+ Chủ rừng;
+ Đội PCCCR nơi gần nhất;
+ Cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất;
+ Chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.
- Cơ quan, đơn vị khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.
- Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
- Chủ rừng và các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Quân đội, dân quân tự vệ, cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
- Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy rừng, chỉ huy chữa cháy rừng, tình thế cấp thiết được sử dụng quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản khi chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy./.