Kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại đô thị trung tâm của tỉnh

BBK - Là đô thị trung tâm của tỉnh, thành phố Bắc Kạn có trên 900 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đặt ra hiện nay.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.

Thành phố Bắc Kạn có mật độ dân cư đông, tập trung nhiều trường học, cơ quan công sở nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, sử dụng dịch vụ ăn uống rất lớn. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố, trên địa bàn hiện có tổng số 914 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó có 79 cơ sở sản xuất thực phẩm, 270 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 154 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 411 cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố.

Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), không để xảy ra ngộ độc thực phẩm - nhất là những vụ quy mô lớn, xảy ra trong các bếp ăn trường học, nhà hàng, tại các sự kiện tập trung đông người... thời gian qua các cấp uỷ, chính quyền thành phố đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng.

Ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Đồng hành cùng chính quyền, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã triển khai các mô hình canh tác công nghệ cao, sản xuất nông - lâm - thủy sản đảm bảo chất lượng ATTP, làm tiền đề cho phát triển nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn đô thị, góp phần đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo ATTP. Chỉ đạo nắm chắc tình hình các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, các xã, phường đã tổ chức kiểm tra về ATVSTP tại 192 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Cấp thành phố cũng tổ chức kiểm tra tại 83 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó có 60 cơ sở đạt VSATTP, tiến hành lập biên bản và nhắc nhở 23 cơ sở, trong đó xử phạt hành chính 02 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước 6 triệu đồng.

Năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm (do độc tố tự nhiên), với 08 người mắc. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra vụ mất an toàn VSTP nào. Tuy vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn, nhất là khi bước sang mùa hè, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều...

Hiện nay các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Bắc Kạn chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong rau, quả và thịt gia súc, gia cầm, thủy sản… chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác quản lý kinh doanh thức ăn đường phố, các loại đồ ăn nhanh, đồ uống… chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về ATTP còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn; kinh phí chi cho hoạt động QLNN lĩnh vực ATTP còn hạn hẹp. Việc xử lý vi phạm theo quy định còn thiếu tính răn đe. Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm ATVSTP.

Bên cạnh đó, trong Nhân dân còn tồn tại những tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm, có nguy cơ ngộ độc như: Ăn tiết canh, gỏi cá, nấm rừng tự nhiên, uống các loại rượu ngâm thực vật chưa được kiểm chứng... Những hành vi này không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen, mà phải vận động, tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức của người dân. Do vậy, an toàn thực phẩm là lĩnh vực cần tiếp tục có sự tham gia và phối hợp của toàn xã hội./.

Xem thêm