Ngân Sơn: Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch trải nghiệm

BBK - Để phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch đã được huyện Ngân Sơn chú trọng thực hiện.
Cây đào đã được trồng để bán cây, hoa, quả và khai thác làm du lịch.

Cây đào đã được trồng để bán cây, hoa, quả và khai thác làm du lịch.

Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Ngân Sơn rất phù hợp với cây đào. Từ việc trồng làm cảnh, trồng phân tán, giờ đây đào được trồng theo hướng tập trung tại khu vực đèo Gió, dọc Quốc lộ 3.

Anh Đặng Hữu Nguyên, thành viên HTX Đào Tiên Pác Ả cho hay: Vườn đào của gia đình tôi hiện có hơn 100 cây, khoảng 10 năm tuổi. Đây là giống đào mỏ quạ, trước đây chỉ trồng để bán quả, chơi hoa. Năm nay, tôi bắt đầu trồng thêm các loại hoa dưới tán đào, cắt tỉa cây cho đẹp, dựng tiểu cảnh để khách đến tham quan chụp ảnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách, mỗi vé vào vườn là 10.000 đồng/người. Vườn đào nở hoa rộ trong khoảng một tháng, sau mùa hoa là đến mùa quả nên vẫn có thể đón khách tham quan trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, ông Phạm Ngọc Thịnh cho biết: Huyện Ngân Sơn đang phát triển khá tốt một số loại cây có hiệu quả kinh tế cao như dẻ, lê. Tổng diện tích cây dẻ hiện có 69,5ha. Cây dẻ phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện, trồng chủ yếu tại các xã Cốc Đán, Thượng Ân, Đức Vân, thị trấn Nà Phặc.

Hiện nay trên địa bàn huyện đã có cây lê và cây dẻ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là cây đầu dòng, có cơ sở sản xuất cây giống tại địa phương nên chủ động được nguồn giống để phát triển. Những năm tới sản lượng quả lê và hạt dẻ sẽ tăng dần và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Người dân huyện Ngân Sơn thu hoạch hạt dẻ.

Người dân huyện Ngân Sơn thu hoạch hạt dẻ.

Cây lê diện tích hiện có hơn 33ha. Lê là loại cây trồng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Ngân Sơn, chất lượng quả được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cây lê ra hoa vào mùa xuân, hoa màu trắng, rất đẹp, đây cũng là cây trồng được địa phương đưa vào khai thác du lịch. Mùa hoa lê, rất nhiều du khách đến Ngân Sơn chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Mùa thu các vườn lê sai trĩu quả, du khách đến trải nghiệm và thưởng thức vị ngọt mát của quả lê ngay tại vườn.

Vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở Ngân Sơn đã có thu nhập từ trồng lê và làm dịch vụ du lịch trải nghiệm. Theo thống kê, rà soát tại các xã, thị trấn cho thấy quỹ đất có thể phát triển mở rộng diện tích trồng lê và dẻ tại địa phương là khoảng 175ha (diện tích có khả năng trồng lê là khoảng 64ha, diện tích có khả năng trồng dẻ là 110ha).

Khẩu Nua Lếch cũng là một loại cây trồng chủ lực của huyện Ngân Sơn. Giống lúa nếp bản địa này được trồng tại các xã Thượng Quan, Thuần Mang, Thượng Ân, Bằng Vân, Cốc Đán, với diện tích khoảng hơn 100ha. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan đang giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao. Khi tiết trời vào thu, những thửa ruộng bắt đầu thoảng mùi hương cũng là thời điểm rất phù hợp để du khách trải nghiệm, khám phá vùng trồng lúa nếp Khẩu Nua Lếch tại huyện vùng cao Ngân Sơn.

Bên cạnh hoạt động sản xuất thuần túy, người dân trên địa bàn huyện đã từng bước gắn kết với phát triển dịch vụ du lịch, tạo thêm nguồn thu nhập, đồng thời làm phong phú hơn sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của vùng đất, con người, văn hóa bản địa. Huyện Ngân Sơn đã và đang khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương./.

Xem thêm