Bắc Kạn là tỉnh có nhiều khoáng sản, đặc biệt là chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất so với các tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù xác định khoáng sản là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách nhưng đến nay, chính quyền các cấp và ngành thuế vẫn chưa có cách hữu hiệu để quản lý thuế và phí khai thác khoáng sản.
Quản lý thuế và phí, nhờ sự tự giác của doanh nghiệp
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hàng chục doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm, sắt, đá xây dựng, cát sỏi, chính quyền địa phương và ngành thuế quản lý sản lượng khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn, ngành thuế tính toán các loại thuế và phí bảo vệ môi trường trên cơ sở doanh nghiệp tự khai sản lượng.
Chợ Đồn là huyện có trữ lượng khoáng sản nhất tỉnh. Đồng chí Ma Viết Thời- Phó trưởng Chi cục Thuế huyện cho biết: Hằng tháng doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp bản kê khai sản lượng, trên cơ sở đó chúng tôi áp mức thuế và phí bảo vệ môi trường, sau đó ra thông báo số thuế và phí phải nộp cho doanh nghiệp. Kê khai sản lượng chủ yếu nhờ sự tự giác của doanh nghiệp, việc kê khai ấy có đúng hay không thì chúng tôi khó mà biết được vì trên thực tế, việc kiểm tra cũng rất khó phát hiện. Doanh nghiệp khai thác bao nhiêu, chở ra khỏi địa bàn bao nhiêu, thời gian nào thì chúng tôi không thể biết được chính xác.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp khai khoáng phải có chứng từ, hoá đơn đầu ra, đầu vào, khi vận chuyển phải có phiếu xuất kho. Doanh nghiệp có phiếu xuất kho, hầu hết phiếu xuất kho cho cả lô hàng lên đến cả trăm, hàng nghìn tấn quặng chở trên một đoàn xe ô tô. Có khi vận chuyển trong nhiều ngày, nhiều tháng trong lô hàng, đoàn xe ấy, có bao tấn quặng, ô tô trà trộn, mang đi bán mà không cần hoá đơn, chứng từ thì không ai có thể kiểm soát được. Có một điều chắc chắn rằng, cơ quan thuế không đủ lực lượng và không có điều kiện thường trực tại các mỏ, cơ sở chế biến khoáng sản để kiểm soát sản lượng khai thác, chế biến doanh nghiệp mà thu thuế và phí nên rất khó quản lý.
Loay hoay tìm cách quản lý
Những năm trước đây tỉnh Bắc Kạn có Trạm kiểm soát liên ngành Bình Trung, cửa ngõ ra vào huyện Chợ Đồn. Vận chuyển quặng, khoáng sản từ huyện Chợ Đồn đi tiêu thụ đều phải qua trạm này. Tại trạm có cán bộ thuế kiểm soát, ô tô chở khoáng sản đi qua đều phải xuất trình phiếu cân, hoá đơn xuất kho nên quản lý được thuế và phí. Khi Trạm liên ngành Bình Trung giải tán thì nhiều năm nay thì việc này không còn duy trì được nữa. Sau đó, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ thí điểm đo khối lượng quặng, khoáng sản chở trên ô tô rồi tính ra trọng lượng làm cơ sở tính toán thuế và phí. Cán bộ thuế trực tại trạm Bình Trung đếm ô tô, thống kê sản lượng vận chuyển của từng doanh nghiệp để tính thuế và phí. Song, việc này cũng không duy trì được lâu.
Quặng lậu bị thu giữ tại huyện Chợ Đồn |
Khi thực hiện chế độ doanh nghiệp kê tự khai nộp thuế, việc buôn bán quặng lậu diễn ra thì quản lý thu thuế và phí gặp rất nhiều khó khăn, đến nay chính quyền các địa phương và ngành thuế trong tỉnh chưa có biện pháp gì để quản lý có hiệu quả nhằm chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn- Hoàng Văn Mão bức xúc trước việc không thể quản lý được việc khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn dẫn đến thất thu thuế và phí. Ông Mão đã đề nghị đặt hai trạm cân tại đèo So và Đông Viên để kiểm soát vận chuyển khoáng sản từ huyện ra bên ngoài. Việc đặt hai trạm cân cũng đồng thời ngăn chặn vận chuyển quá tải để bảo vệ cầu, đường. Vấn đề này cần có sự đồng ý của tỉnh
Trong khi các cấp chính quyền, ngành thuế địa phương chưa có biện pháp nào để chống thất thu cho ngân sách thì hằng ngày vẫn có những đoàn xe ô tô nối đuôi nhau vận chuyển khoáng sản đi tiêu thụ. Mặt khác số thuế và phí mà các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tự khai báo, đến nay còn nợ ngân sách nhà nước đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đang rất khó thu. Phó trưởng Cục Thuế tỉnh Hứa Đình Bích cho rằng: Nhiều thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giữ tài nguyên của đất nước, nay doanh nghiệp nợ thuế mà chây ỳ không chịu nộp, khai báo không chung thực là điều không thể chấp nhận được.
Doanh nghiệp khai thác tài nguyên chây ỳ nộp thuế và phí, khê khai sản lượng khoáng sản không chung thực, chính quyền địa phương và cơ quan thuế chưa có cách nào quản lý có hiệu quả, phải chăng khoáng sản trên địa bàn đang làm giàu cho một nhóm người?
Vì Dân