Thiết thực, hiệu quả, cụ thể
Lữ đoàn 167 là đơn vị chiến đấu được biên chế nhiều chủng loại tàu thuyền, xe, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tuy nhiên, thời gian khai thác nhiều năm đã ảnh hưởng đến tính đồng bộ của các loại trang, thiết bị, phương tiện trong biên chế của đơn vị.
Mặt khác, do tính đặc thù nên việc bảo đảm vật tư, linh kiện để thay thế, sửa chữa cũng gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 167 đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân giúp phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" ở Lữ đoàn 167 được đông đảo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật hưởng ứng tích cực đó là phong trào đã được tổ chức thực hiện gắn với nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp như: phát động Hội thi mô hình học cụ; Hội thi "Kho trạm, xe máy tốt; lái xe an toàn"; Hội thi "Bàn tay vàng";…
Cùng với đó là việc quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, triển khai các mô hình, sáng kiến và khen thưởng, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể có sáng kiến mang tính ứng dụng cao. Đặc biệt, Lữ đoàn còn thành lập Tổ sửa chữa cơ động bao gồm những cán bộ, nhân viên có chuyên môn kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm; thành lập Tổ tinh chỉnh tàu chính quy mẫu mực; triển khai áp dụng các sản phẩm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được thông qua.
Nhờ đó, đông đảo cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn 167 đã tích cực nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều linh kiện, vật tư để thay thế, khắc phục các hư hỏng của trang, thiết bị, phương tiện. Các sáng kiến thường tập trung vào nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm kỹ thuật.
Nổi bật là một số sáng kiến như: Bo mạch điều khiển hệ thống điều hòa KЛИMAT125, 40Б; Cẩm nang sửa chữa Tua bin khí M15Э trên tàu 12418; Thiết bị đo độ nghiêng của tàu; Phần mềm kiểm tra quá trình khởi động của tổ hợp tua bin khí M15Э; Bơm nhớt sơ bộ phục vụ quay cơ cho tổ hợp tua bin khí M15Э trên tàu 12418; Thiết bị điều khiển khởi động của động cơ PAXMAN VP185;…
Theo đồng chí Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167, với sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" của đơn vị đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả cao. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, đơn vị có hơn 45 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được triển khai thực hiện hiệu quả, nhiều sáng kiến được lựa chọn tham gia thi cấp Vùng và Quân chủng.
Trong đó, Mô hình "Thiết bị huấn luyện bắn pháo cho trắc thủ tại bàn điều khiển ПУАРТ 76" của Đại úy Vũ Xuân Huy được Quân chủng Hải quân trao giải A, Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh và đạt giải Ba, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội.
Hiệu quả "kép" từ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Trước yêu cầu của công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" ở Lữ đoàn 167 đã hướng mạnh vào nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của toàn đơn vị.
Trên cơ sở khơi dậy, phát huy tinh thần "7 dám", năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã ra đời và triển khai ứng dụng trong thực tiễn đã mang lại hiệu quả "kép", vừa giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách, vừa góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật của các trang, thiết bị, phương tiện huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Lữ đoàn đã thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; củng cố hệ thống cơ sở vật chất, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị.
Vai trò của Tổ sửa chữa cơ động được phát huy có hiệu quả thông qua việc sẵn sàng hỗ trợ các tàu sửa chữa những hạng mục khó, hàm lượng kỹ thuật cao hoặc cơ động cùng các tàu thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Trước khi các tàu thực hiện nhiệm vụ đi biển, Tổ sửa chữa phối hợp với đơn vị kiểm tra nắm tình trạng vũ khí trang bị kỹ thuật, hệ động lực, thân vỏ tàu, kịp thời khắc phục những hỏng hóc (nếu có).
Lữ đoàn 167 cũng đã chủ động ban hành bộ tiêu chí tàu "Chính quy, mẫu mực" theo từng dạng tàu và tổ chức thực hiện tốt các tiêu chí. Toàn Lữ đoàn thực hiện nghiêm "Giờ kỹ thuật" trong ngày, "Ngày kỹ thuật" trong tuần, tháng, quý; chế độ sấy, kiểm tra vũ khí trang thiết bị kỹ thuật… Với cách làm trên, năm 2023 vừa qua, 100% tàu thuộc biên chế của Lữ đoàn đã được Vùng 2 Hải quân công nhận đạt tiêu chí tàu "chính quy, mẫu mực". Lữ đoàn đã làm mới 720 tem nhãn, 623 xương sườn tàu; bảo quản, sơn sửa 4.440 m2 mạn tàu và mặt boong.
Có thể nói, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Lữ đoàn 167 đã tích cực, phát huy tốt khả năng, năng lực nghiên cứu với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phù hợp, hiệu quả. Từ đó, tạo cơ sở để Lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, trinh sát bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng của Tổ quốc./.