Phát triển kinh tế từ cây dong riềng: Bài 1 - Diện tích vùng nguyên liệu dong riềng tại Ba Bể sụt giảm

BBK - Ba Bể là một trong những vùng sản xuất miến dong có quy mô của tỉnh, những năm qua, tỉnh và huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ phát triển kinh tế hàng hóa từ cây trồng này…Tuy nhiên hai năm gần đây, diện tích vùng nguyên liệu cây dong riềng tại địa phương sụt giảm.
Cây dong riềng được trồng nhiều tại các xã Phúc Lộc, Yến Dương, Mỹ Phương, Chu Hương...

Cây dong riềng được trồng nhiều tại các xã Phúc Lộc, Yến Dương, Mỹ Phương, Chu Hương...

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dong riềng

Các cây trồng chủ lực của Ba Bể chủ yếu gồm: Dong riềng, bí xanh thơm, khoai tây, hồng không hạt… Trong đó dong riềng là một trong những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo. Do vậy người dân, doanh nghiệp và các HTX của Ba Bể bắt đầu đưa cây trồng này vào canh tác từ những năm 2010 và duy trì thực hiện mỗi năm khoảng 150 – 200ha.

Huyện đã đồng hành với người dân và doanh nghiệp thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và người dân trồng cây dong riềng; qua đó tạo mối liên kết từ trồng, chế biến, sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Từ năm 2017 đến nay, thông qua các chương trình như: Khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại (Sở Công Thương); Chương trình hỗ trợ kinh doanh nông hộ CSSP (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh); vốn ngân sách Nhà nước thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh; Chương trình xây dựng nông thôn mới... đã hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng, nhằm duy trì diện tích và phát huy giá trị cây dong riềng. Lúc cao điểm, diện tích vùng dong nguyên liệu của huyện Ba Bể đạt gần 300ha; giá dong củ có lúc đạt từ 2.000- 2.500 đồng/kg.

Miến dong Bắc Kạn được bán tại Hà Nội thông qua chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Miến dong Bắc Kạn được bán tại Hà Nội thông qua chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Để phát huy giá trị kinh tế của cây dong riềng, huyện Ba Bể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; mở rộng quy mô sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất dong riềng và chế biến miến dong của tỉnh đến các tổ chức, cá nhân sản xuất dong riềng và chế biến miến dong.

Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương trao đổi về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dong riềng với người dân địa phương.

Trong ba năm trở lại đây, huyện Ba Bể đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh thực hiện hỗ trợ 03 hợp tác xã và một số cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền chế biến tinh bột, sản xuất miến dong với công nghệ tiên tiến gắn với xây dựng công trình xử lý nước thải; hỗ trợ chủ thể nâng cấp bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ; chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO; mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất...

Diện tích giảm dù được hỗ trợ đầu tư nhiều nguồn lực

Mặc dù là cây thế mạnh, tuy nhiên hai năm trở lại đây, diện tích trồng dong riềng trên địa bàn huyện Ba Bể không đạt kế hoạch. Mục tiêu đề ra là 150ha/năm, nhưng huyện chỉ duy trì thực hiện được khoảng 120ha mỗi năm. Diện tích giảm do một số hộ dân đã chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, một số khác do thiếu nguồn nhân lực thực hiện. Công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công chưa đa dạng. Sức hấp dẫn của chương trình còn hạn chế, trong bối cảnh có rất nhiều chính sách được triển khai trên địa bàn tỉnh đối với việc đầu tư, phát triển sản xuất...

Ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể chia sẻ với phóng viên về thuận lợi, khó khăn và giải pháp duy trì, phát triển cây dong riềng trên địa bàn huyện Ba Bể.

Thời gian tới, UBND huyện Ba Bể xác định tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư cho sản phẩm miến dong của huyện; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm miến dong của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để thương hiệu miến dong của tỉnh ngày càng phát triển, thị trường tiêu thụ được mở rộng từ đó duy trì diện tích, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm miến dong của huyện Ba Bể. Rà soát, kiểm tra lại hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án cho trồng và chế biến sản phẩm từ cây dong riềng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư và vực dậy hiệu quả kinh tế từ cây trồng này./. (Còn nữa)

Trong năm 2022 vừa qua và đầu năm 2023, Sở Công thương Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các địa phương ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị, chương trình khảo sát kết nối cung cầu qua đó HTX Yến Dương, HTX Nhung Lũy (Ba Bể) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản trong đó có sản phẩm miến dong kết nối giao thương giữa các hệ thống phân phối với các tỉnh, thành phố và mới đây nhất là tại tỉnh Nghệ An năm 2023.

Xem thêm