Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc tại Bắc Kạn

 
Chiều 14/3, đồng chí Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Bắc Kạn về nội dung triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí Hà Văn Khoát- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Kạn; Hoàng Ngọc Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, một số sở, ngành. 
Đồng chí Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã báo cáo tóm tắt với đoàn công tác tình hình kinh tế xã hội, hoạt động hệ thống ngân hàng của Bắc Kạn. Theo đó, trong năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng giá trị gia tăng đạt hơn 1.636 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 166.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 555kg/người/năm; diện tích trồng dong riềng đạt 1.848ha; trồng rừng mới hơn 13.000ha. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 422.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.830 tỷ đồng. Trong năm, tỉnh có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia; 11 xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; an ninh chính trị, trật tự được giữ vững. 
Hệ thống ngân hàng đã bám sát định hướng, chỉ đạo của cấp trên. Tổng huy động vốn đạt 2.737 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 5.191 tỷ đồng. Cơ cấu vốn tiếp tục chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.026 tỷ đồng, chiếm 39% tổng dư nợ; cho vay sản phẩm dong riềng gần 30 tỷ đồng; triển khai tốt cho vay hộ nghèo và hộ chính sách. Các ngân hàng thực hiện hiệu quả hoạt động an sinh xã hội thông qua triển khai cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và tài trợ của các ngân hàng thương mại. 
Năm 2013, tỉnh đặt mục tiêu tổng sản phẩm tăng 13% so với năm 2012; tổng GDP theo giá hiện hành đạt trên 6.000 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 160.000 tấn; trồng dong riềng đạt trên 2.000ha; trồng rừng mới 12.500ha; tạo việc làm mới cho 4.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%... Đối với hệ thống ngân hàng phấn đấu huy động vốn tăng 14- 16% so với cuối năm 2012; dư nợ tăng 16- 18%; nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. 
Tại buổi làm việc tỉnh kiến nghị một số vấn đề với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến với Ngân hàng Phát triển Việt Nam sớm giải ngân vốn vay đối với các dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ván MDF của Công ty cổ phần Sahabak với số vốn vay dự kiến 650 tỷ đồng; Dự án trồng rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn với số vốn dự kiến vay là 50 tỷ đồng trong 7 năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dành nguồn vốn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến dong riềng vay vốn lưu động mua củ dong nguyên liệu; Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo. 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Minh Tú nhấn mạnh mục đích của chuyến công tác là để khảo sát từ đó đưa ra định hướng hệ thống ngân hàng tập trung ưu tiên hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh nghèo như Bắc Kạn. Đồng chí bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng trong việc góp sức cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng chí đặc biệt đồng tình với chủ trương phát triển thế mạnh cây dong riềng của tỉnh và cam kết sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Chi nhánh Bắc Kạn chuẩn bị đủ vốn đáp ứng cho chương trình. Đồng chí cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh để xem xét chỉ đạo và hỗ trợ giải quyết trong thời gian tới.
Đồng chí yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả; các món vay mới thực hiện theo lãi suất thấp, giảm tối đa các loại phí cho vay, tiếp tục giãn nợ, cơ cấu nợ đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn; kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản có thể phát sinh nợ xấu; tăng cường sự hợp tác giữa các ngân hàng; các ngân hàng cũng cần chủ động tìm đến với khách hàng thông qua việc bám sát các chương trình kinh tế xã hội của tỉnh, các thế mạnh của tỉnh để đầu tư tín dụng./.
Tuấn Sơn

Xem thêm