Sức trẻ trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

BBK - Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) như luồng gió mới, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trong kết quả ấy, có đóng góp quan trọng của những người trẻ “dám nghĩ - dám làm”.
Các sản phẩm OCOP sản xuất từ nghệ tại HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn.

Các sản phẩm OCOP sản xuất từ nghệ tại HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn.

Chủ trương “đúng” và “trúng”

Làm gì để phát triển kinh tế hàng hóa, xóa nghèo hiệu quả… là câu hỏi đặt ra từ lâu đối với người dân tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. Nhận thấy việc khởi động, triển khai đề án đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 08/4/2019 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đến năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025”.

Là tỉnh thứ hai trên toàn quốc ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, chủ trương của Bắc Kạn đã được chứng minh là rất “đúng” và “trúng”. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên của tỉnh, được thị trường đón nhận.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 181 sản phẩm được gắn sao OCOP, được thị trường đón nhận.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 181 sản phẩm được gắn sao OCOP, được thị trường đón nhận.

Từ chỗ chỉ có 37 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (2018), đến nay, toàn tỉnh đã có 181 sản phẩm được gắn sao. Trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao OCOP; 18 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này ra đời đã tạo diện mạo mới mẻ và đầy sinh lực cho nền kinh tế hàng hóa gắn với sản xuất nông – lâm nghiệp của tỉnh.

Dấu ấn đậm nét của tổ chức Đoàn

Những kết quả đạt được từ Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" ghi dấu ấn đậm nét của tổ chức Đoàn và lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN).

Thường trực Tỉnh đoàn thăm, động viên thanh niên tại HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, huyện Na Rì.

Thường trực Tỉnh đoàn thăm, động viên thanh niên tại HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, huyện Na Rì.

Công tác triển khai Chương trình được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lồng ghép dưới nhiều hình thức, thu hút sự quan tâm của tuổi trẻ toàn tỉnh, như: Thông qua các hội nghị giao ban công tác đoàn, sinh hoạt đoàn; Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Bắc Kạn lần thứ II năm 2022; Hành trình khởi nghiệp; xúc tiến thương mại, tập huấn chuyển giao kỹ thuật… Qua đó đã động viên, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.

Tổ chức Đoàn còn phối hợp với ngành chuyên môn trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp mới, giúp ĐVTN khởi nghiệp gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm OCOP của thanh niên đều là sản phẩm hàng hóa, có giá trị, được thị trường đón nhận.

OCOP và tinh thần khởi nghiệp

Các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ kinh doanh do ĐVTN làm chủ hoặc tham gia với vai trò nòng cốt ngày càng tăng. Nhiều mô hình kinh tế phát triển có chiều sâu, ổn định, tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ sản phẩm.

Theo đánh giá của anh Nguyễn Đình Tân, Giám đốc HTX Tân Dân, Chủ tịch Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn: Tư duy táo bạo, cách làm sáng tạo, hướng khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP của những ông chủ, bà chủ trẻ đã trở thành tấm gương sáng để ĐVTN các địa phương học hỏi, làm theo. Từ những mô hình được coi là tiên phong, do ĐVTN thành lập như HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố (Chợ Mới), sau đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trẻ năng động gắn với sản phẩm OCOP như: Chị Dương Khánh Ly, HTX nông nghiệp Nghĩa Tá với sản phẩm chè hoa vàng; bí xanh thơm của chị Đinh Tuyết Nhung, HTX Nhung Lũy; các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Dao của chị Lý Thị Quyên, HTX Thiên An; dưa lưới của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt; bún phở khô của HTX Quỳnh Niên; Bí xanh thơm Ba Bể của HTX Yến Dương…

Để tiếp tục phát huy sức trẻ trong Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", theo chị Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, thời gian tới tổ chức đoàn sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền về các cơ chế, chính sách khởi nghiệp từ chương trình OCOP; các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh như hỗ trợ thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, duy trì nâng hạng sao OCOP... đến ĐVTN. Rà soát thực trạng ngành nghề nông thôn để có định hướng, giải pháp hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP. Lựa chọn, phê duyệt các dự án có tham gia chương trình OCOP để hỗ trợ vay vốn, nguồn vốn 120 của Trung ương đoàn. Tập trung triển khai mô hình hỗ trợ Hợp tác xã Thanh niên tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2020 - 2025./.

Xem thêm