Từ Nghị định số 35 của Chính phủ, mô hình đã triển khai diện tích 39,7ha tại 7 thôn của xã Vi Hương. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 70% giống phân bón hữu cơ, tập huấn khoa học kỹ thuật, 30% vốn còn lại người dân tự đối ứng.
Hội thảo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sản xuất lúa hữu cơ đối với sức khoẻ, môi trường, đời sống con người, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai mô hình tại địa phương. Theo đó áp dụng sản xuất hữu cơ trên cây lúa đã mang lại những ưu điểm nhất định như cây sinh trưởng phát triển tốt, thân lá cứng cáp, khả năng đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh hại. Các hộ tham gia mô hình đã biết áp dụng quy trình vào từng giai đoạn phát triển của cây lúa.
Sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm thay thế phân vô cơ đã giúp đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất, năng suất trung bình đạt 51,9 tạ/ha, cao hơn 1,9 tạ/ha so với không áp dụng mô hình
Thành công của mô hình sản xuất lúa hữu cơ được xem là hướng đi phù hợp, lâu dài, góp phần cải tạo đất trồng lúa, cải thiện môi trường, từng bước hình thành vùng trồng lúa hàng hóa tập trung. Đặc biệt mô hình đã giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Tại hội thảo, huyện Bạch Thông, ngành chuyên môn mong muốn bà con sau kết thúc mô hình, không còn chính sách hỗ trợ nhưng cần tiếp tục duy trì phương thức sản xuất hữu cơ theo quy trình đã hướng dẫn. Đồng thời cần quyết tâm thay đổi tập quán đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch để tái sử dụng làm phân bón cho vụ sau./.