"Thời cơ vàng" trong phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở

BBK - Ngăn ngừa “giặc lửa” là mối quan tâm của toàn xã hội, trong đó lực lượng tại chỗ và Nhân dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng để chớp lấy “thời cơ vàng” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

IMG_1831.jpeg
Ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông).

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các loại hình nhà và công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang có xu hướng phát triển đa dạng về quy mô, phong phú về loại hình. Theo thống kê, toàn tỉnh có 83.305 hộ gia đình, trong đó 79.451 hộ để ở và 3.854 hộ kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu sử dụng năng lượng, như: Xăng, dầu, khí đốt, điện, hóa chất… tăng mạnh. Những yếu tố đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn phải được thực hiện quyết liệt, kịp thời, thường xuyên.

IMG_9303.JPG
Thực hành chữa cháy tại Tổ liên gia an toàn PCCC tổ 5, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn).

Thời điểm vàng trong công tác cứu hỏa là 5 phút đầu tiên kể từ khi xảy ra cháy, nếu tận dụng được thời cơ này sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Do đó, phương châm “Lực lượng ở trong dân – Phương tiện ở trong dân – Hậu cần ở trong dân – Chỉ huy ở trong dân” là một biện pháp trọng tâm, có yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ lớn, cháy lan.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, huy động tối đa các lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH”. Các địa phương trong tỉnh đã nhân rộng các mô hình như: Tổ liên gia an toàn PCCC; Khu dân cư an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng…

Bà Lèng Thị Chung, thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC thôn Đầu Cầu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông).

Được ví như “cánh tay nối dài” của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, “Tổ liên gia an toàn PCCC” là mô hình hiệu quả, huy động được lực lượng tại chỗ để sẵn sàng báo động, chỉ huy, phối hợp triển khai công tác phòng cháy chữa cháy trong khu dân cư khi có đám cháy xảy ra. Theo quy định, “Tổ liên gia an toàn PCCC” được thành lập bởi 5-15 hộ dân liền kề nhau (bao gồm hộ sinh sống và hộ sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh). Mỗi hộ gia đình đều trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay và 01 dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu...); lắp đặt 01 chuông báo cháy tại tầng 1, lắp đặt 02 nút ấn báo cháy (01 nút ấn trong nhà, 01 nút ấn ngoài nhà).

Để người dân ứng biến khi có cháy xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các tổ liên gia về kỹ năng chữa cháy, kỹ năng phối hợp, cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì 112 “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại các khu dân cư, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Đây là một mô hình thiết thực, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC và CNCH, đồng thời sẵn sàng chủ động về lực lượng, phương tiện để chớp “thời cơ vàng” tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Mô hình này đã và đang phát huy tối đa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, giúp xây dựng lực lượng PCCC tại cơ sở, góp phần chủ động phòng ngừa và nêu cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./.

Xem thêm