Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh được quan tâm, chú trọng phát triển những loài vật nuôi có tiềm năng, lợi thế hướng tới tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên kết sản xuất theo chuỗi.
Một mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. |
Quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán
Không thể phủ nhận, trong điều kiện chưa có đủ các yếu tố để phát triển chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã làm tốt vai trò duy trì, phát triển tổng đàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tổng số hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh có 20.086 hộ; tổng đàn trâu, bò có 63.355 con; tổng đàn lợn 123.789 con và 26.133 hộ chăn nuôi; gia cầm có 2.041.847 con, 55.535 hộ chăn nuôi; và một số gia súc, gia cầm khác…tập trung chủ yếu tại các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì và Chợ Đồn.
Hiện nay, số hộ chăn nuôi đã giảm đáng kể, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn, do bệnh dịch tả lợn châu Phi số hộ chăn nuôi lợn tại thời điểm báo cáo là 26.133 hộ, giảm 61% số hộ chăn nuôi; số hộ chăn nuôi trâu, bò là 20.086 hộ, giảm 9,8% số hộ chăn nuôi so với năm trước. Nguyên nhân diện tích chăn thả bị thu hẹp do việc phát triển trồng rừng ngày càng tăng; tác động của việc cơ giới hóa trong nông nghiệp, chăn nuôi trâu, bò ít được sử dụng vào mục đích để cày kéo; do các nhà máy, khu công nghiệp thu hút một lượng lớn lao động từ nông thôn đi làm việc, trong khi đó chăn nuôi trâu, bò đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chăn dắt, quản lý; vốn đầu tư lớn… dẫn đến nhiều hộ không chăn nuôi trâu, bò, hoặc bán chuyển cơ cấu sang loài nuôi khác.
Đối với chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, hạn chế là khó mở rộng quy mô chăn nuôi để đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến; thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi, liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp; chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên thường bị ép giá và khó có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Đó còn chưa kể đến đáp ứng yêu cầu cao của đối tác về các sản phẩm xuất khẩu, chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chăn nuôi nhỏ lẻ khó đáp ứng theo các quy chuẩn, đặc biệt là về kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường cũng như các điều kiện để xây dựng liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.
Những “rào cản” trong phát triển chăn nuôi
Đồng chí Nguyễn Văn Phong- Phó trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chăn nuôi thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh như: Giá trị gia tăng trong sản xuất chăn nuôi còn thấp; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, không ổn định; phương thức chăn nuôi quảng canh, năng suất thấp, giá thành cao; khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại tại các tỉnh lân cận kém; việc giết mổ, chế biến, bảo quản yếu và thiếu; liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế; công nghiệp chế biến chưa phát triển, dịch bệnh tiềm ẩn... đang là rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi của tỉnh.
Riêng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), làm cho số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tăng cao, tính đến 31/12/2019 dịch đã xảy ra tại 4.283 hộ, 705 thôn, 116 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố, tổng số lượng phải tiêu hủy là 27.255 con. Sau khi xuất hiện dịch bệnh, cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp ngăn chặn và chống dịch tích cực để hạn chế lây lan và thiệt hại. Đến tháng 3/2020 các huyện, thành phố đã công bố hết dịch theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày 06/4/2020 bệnh DTLCP đã tái phát trở lại, tính đến ngày 15/6/2020, dịch đã xuất hiện tại 39 xã, phường, thị trấn của 08 huyện, thành phố; số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 832 con, với khối lượng 37.779kg, ảnh hưởng đến việc tái đàn trong chăn nuôi lợn.
Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi tỉnh ta chưa tạo được thương hiệu có uy tín để cạnh tranh với thị trường. Quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán; phương thức chăn nuôi mang tính quảng canh, năng suất thấp… Các tiến bộ kỹ thuật triển khai chưa thực sự hiệu quả, nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi còn hạn hẹp. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi...
Hơn nữa, chưa chủ động được nguồn con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi, vẫn phải nhập con giống từ các tỉnh lân cận, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu nhỏ lẻ, dẫn đến việc kiểm soát và phòng bệnh cho vật nuôi gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi chưa gắn kết với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tái đàn, khôi phục sản xuất trong chăn nuôi lợn, bởi các nguyên nhân như: khan hiếm con giống, giá con giống tăng cao, thức ăn tăng; bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế triệt để, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát...
Hiện nay, trên địa bàn việc sản xuất giống vật nuôi của các cơ sở sản xuất, hộ gia đình chủ yếu cung cấp con giống tại chỗ; mặt khác trên địa bàn tỉnh không có trạm truyền tinh, cơ sở sản xuất giống, các hộ chăn nuôi sản xuất con giống theo kinh nghiệm truyền thống, chưa quan tâm nhiều đến công tác chọn lọc, bình tuyển, quản lý giống vật nuôi nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
Cụ thể, đối với giống đại gia súc, ít có sự thay đổi về cơ cấu giống, việc áp dụng các tiến bộ KHKT để cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng, tầm vóc đàn đại gia súc còn hạn chế, mới chỉ dừng ở quy mô thuộc các mô hình của các chương trình, dự án. Đối với giống lợn hầu hết cơ sở sản xuất ở quy mô nhỏ nên số lượng con giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi; một số cơ sở chăn nuôi phải nhập giống lợn từ ngoài tỉnh để chăn nuôi, nguồn cung con giống tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% so nhu cầu chăn nuôi, số còn lại vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát và phòng, chống dịch bệnh.
Mặc dù còn những hạn chế, nhưng lĩnh vực chăn nuôi cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực về thay đổi phương thức chăn nuôi, được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô tập trung theo hướng hàng hóa; giá bán các sản phẩm thịt trâu, bò, gia cầm ổn định. Các chuỗi liên kết dần được hình thành; một số cơ chế chính sách được ban hành khuyến khích phát triển chăn nuôi thu hút được một số công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Thực tế sản lượng thịt hơi không ngừng tăng qua các năm, bình quân giai đoạn 2015-2019 tăng 3,4%/năm. Có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu giống các loại vật nuôi, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn và gia cầm, người chăn nuôi đã sử dụng nhiều giống vật nuôi nhập nội, giống lai có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, kết hợp chăn nuôi theo tiêu chuẩn với sử dụng thức ăn công nghiệp, góp phần nâng cao năng suất trong chăn nuôi.
Theo xu hướng phát triển chăn nuôi hiện nay, cần phải chăn nuôi tập trung, có liên kết giữa các khâu theo chuỗi, chăn nuôi chuyên biệt, đòi hỏi có đầu tư lớn về nguồn vốn, khoa học, kỹ thuật, các điều kiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường… Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và chính những hộ chăn nuôi. Từ đó, hình thành những mô hình chăn nuôi lợn khép kín theo quy hoạch vùng, xã, trọng điểm sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm; từng bước áp dụng công nghệ cao, sạch và bảo vệ môi trường vào sản xuất, để chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng thực sự trở thành chủ lực trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh./.(Còn nữa)
Bích Ngọc