Trong “Ngày hội Bí xanh thơm Ba Bể” vừa tổ chức vào đầu tháng 7 tại xã Yến Dương (Ba Bể), anh Hứa Văn Hoàng, nông dân trồng bí xanh thơm ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương (Ba Bể) kết nối được với đại diện Công ty Baliogo, một công ty nổi tiếng trong lĩnh thương mại cung ứng các mặt hàng tiêu dùng.
Chị Phạm Hoàn, đại diện phía Công ty cho biết: “Lên với Bắc Kạn, chúng tôi thấy có nhiều sản phẩm nông sản sạch, chất lượng tốt. Đây là những yếu tố quan trọng hàng đầu để người tiêu dùng lựa chọn. Với hệ thống phân phối hàng tiêu dùng khắp cả nước của Công ty chúng tôi tính toán sẽ làm việc trực tiếp với thật nhiều hộ nông dân như anh Hoàng để vụ bí xanh các năm tiếp theo có thể bắt tay hợp tác, đáp ứng sản lượng đủ lớn cung cấp trực tiếp cho kênh phân phối của chúng tôi. Khi người nông dân tiếp cận được trực tiếp với nhà phân phối sẽ giảm bớt trung gian, lợi nhuận về phía người nông dân sẽ được đẩy lên”.
Anh Hứa Văn Hoàng, nông dân trồng bí xanh thơm ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương (Ba Bể) đã kết nối được với đại diện kênh phân phối sản phẩm tiêu dùng Baliogo ở Hà Nội để tiêu thụ bí xanh thơm. |
Trong cuộc làm việc giữa 02 Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Kạn mới đây, một số doanh nghiệp thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc rất quan tâm đến sản phẩm nông sản của Bắc Kạn. Nhiều ý kiến đề xuất ngay sau buổi làm việc, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn làm cầu nối để các doanh nghiệp kết nối, cung ứng nhiều mặt hàng nông sản OCOP uy tín, chất lượng do nhu cầu về mặt hàng làm quà tặng ở các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc khá lớn vào dịp cuối năm. Đây cũng là một trong những kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản nhiều tiềm năng.
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Phúc ấn tượng với sản phẩm OCOP của Bắc Kạn, mong muốn được hợp tác tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. |
Có thể nhận thấy, nông sản được coi là thế mạnh, sản phẩm chủ yếu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương và kinh tế hộ gia đình. Thế nhưng nhiều năm nay, các loại nông sản này luôn trong tình trạng "được mùa, rớt giá", phải kêu gọi cộng đồng “giải cứu”. Thực tế cho thấy, việc “giải cứu” đã làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường; lợi ích cuối cùng chỉ rơi vào tay một số ít tư thương, còn người dân "thiệt đơn, thiệt kép"...
Vấn đề “được mùa, rớt giá”, nông sản bỏ đống lăn lóc vệ đường, thậm chí người dân không muốn thu hoạch vì tiền bán không đủ trả tiền công, đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Chừng nào nông sản phải “giải cứu” thì đời sống của người dân còn vất vả, nền kinh tế nông nghiệp vẫn bấp bênh.
Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Ông Quách Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương Bắc Kạn cho rằng: Để tiêu thụ được nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản rất cần sự đổi mới, đa dạng hóa phương thức kinh doanh, thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản, xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại nông sản đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, đa dạng hóa tiêu thụ nông sản qua các kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử và thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa, coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa thương mại./.