Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những năm qua, Bắc Kạn luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững
Thực hành nhận biết và cách sử dụng tại lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, thú y do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Na Rì tổ chức.

Thực hành nhận biết và cách sử dụng tại lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, thú y do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Na Rì tổ chức.

Để giúp người lao động có thể tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm hoặc nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình kinh tế của gia đình, từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề. Quá trình tổ chức thực hiện, công tác đào tạo nghề thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 càng được đẩy mạnh.

Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2% - 2,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, từ 24,71% xuống còn 22,31%. Để đạt được mục tiêu này, tại Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 03/3/2023 về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2023, cùng với các nội dung khác, UBND tỉnh xác định dành hơn 45 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học liệu; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người lao động; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã; khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...

Để việc tổ chức đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa theo nhu cầu đăng ký của người lao động. Như, tại TP. Bắc Kạn, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức 22 lớp đào tạo nghề; tại Bạch Thông, cơ quan chuyên môn cũng phối hợp tổ chức 34 lớp đào tạo nghề; huyện Na Rì tổ chức được hơn 20 lớp đào tạo nghề... Các ngành nghề được lựa chọn chủ yếu gồm: Trồng và chăm sóc rừng; kỹ thuật trồng cây có múi; kỹ thuật chăn nuôi, thú y; kỹ thuật phòng và trị bệnh cho vật nuôi... được đánh giá khá phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu của người dân.

Tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau được tổ chức ở địa phương, chị Đinh Thị Yêu ở xã Tân Tú (Bạch Thông) cho biết: Qua lớp học các học viên có thêm kiến thức, kỹ thuật về ủ phân bón hữu cơ, phòng trừ một số loại sâu bệnh thường gặp... để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Các kiến thức này rất bổ ích và có thể áp dụng ngay, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng từ đó nâng cao thu nhập.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống; lớp kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho thủy cầm tại xã Dương Quang.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn tổ chức bế giảng lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống; lớp kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho thủy cầm tại xã Dương Quang.

Thực tế cho thấy, các chính sách liên quan tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm triển khai, thông tin rộng rãi đến người dân. Công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm đối với lao động nông thôn được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Hội nghị, hội thảo, phát phiếu khảo sát nhu cầu học nghề... nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân đã có nhiều chuyển biến, tạo sự phối hợp và trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Người lao động đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác đào tạo nghề, lựa chọn ngành nghề để đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện thực tế của bản thân và gia đình.

Theo đánh giá của các địa phương, phần lớn số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có hơn 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Cùng với đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.../.

Xem thêm