Doanh nghiệp Bắc Kạn với xu thế chuyển đổi số

BBK - Bắt kịp xu thế chung, nhiều doanh nghiệp của Bắc Kạn đang khai thác những lợi thế to lớn của chuyển đổi số để phát triển. Thông qua đó, từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho đến quản lý điều hành doanh nghiệp đều thu được những kết quả tích cực...

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, việc thực hiện giãn cách xã hội đã buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động của mình. Các doanh nghiệp của tỉnh bắt đầu nhận thức và ứng dụng công nghệ số vào những khâu như: Nhập hàng, vận chuyển, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán…

Nhiều gian hàng giới thiệu và bán nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tại các lễ hội trong tỉnh đã áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (quét mã QR).

Nhiều gian hàng giới thiệu và bán nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tại các lễ hội trong tỉnh đã áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (quét mã QR).

Chị Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn cho biết: "Trong thời đại 4.0 hiện nay, nếu không chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị tụt hậu...". Xác định rõ điều đó, dữ liệu thông tin khách hàng đã sớm được Công ty số hóa; phần mềm quản lý bán hàng, phần mềm kế toán được đưa vào sử dụng. Hoạt động quản lý điều hành, hỗ trợ và đào tạo kỹ năng bán hàng cho các nhóm kinh doanh đều thông qua phần mềm Zoom, các cuộc gọi online video nhóm.

Từ năm 2019 Công ty đã bắt đầu tham gia bán hàng qua các kênh thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đến nay, lượng hàng bán ra thông qua các kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 90%. Hằng ngày mọi hoạt động maketting, giao dịch, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp đều tiến hành thông qua ipad, điện thoại thông minh.

Được thành lập từ năm 2018, ban đầu HTX Yến Dương, xã Yến Dương (Ba Bể) chủ yếu kết nối với khách hàng và bán sản phẩm theo cung cách truyền thống. Những năm gần đây, Ban Giám đốc HTX đã chú trọng tham gia chuyển đổi số doanh nghiệp. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, họp triển khai kế hoạch… đều thông qua mạng internet. Sản phẩm được hỗ trợ áp dụng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thông qua mã vạch, mã QR. HTX cử thành viên tham gia các diễn đàn đa ngành trực tuyến liên kết "4 nhà", đem lại hiệu quả maketting cao hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, nhiều sở, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh về chuyển đổi số. Qua đó, sản phẩm của HTX làm ra được bán trên phần mềm KiotViet và các sàn TMĐT như Voso.vn, CorpMart… Nhờ chuyển đổi số, kết quả sản xuất kinh doanh và năng lực quản lý điều hành của HTX được nâng cao rõ rệt. Đến nay, HTX Yến Dương có 20 thành viên chính thức, 320 hộ liên kết, 16 tổ hợp tác, 06 HTX liên kết; thành lập được 01 Liên hiệp HTX Rừng và trang trại huyện Ba Bể. Tổng doanh thu năm 2022 đạt trên 3 tỷ đồng, thu nhập của thành viên ngày càng ổn định.

Tại HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì), anh Nguyễn Văn Hòa, thành viên phụ trách maketting khẳng định: Tham gia vào chuyển đổi số, lượng khách hàng của HTX ngày một nhiều hơn. Sở hữu thương hiệu miến dong đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP, ngoài kinh doanh theo phương thức truyền thống, hiện HTX Tài Hoan đã bán hàng trên các kênh TMĐT như Shopee, Alibaba, trên website và các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok. Năm 2022 tổng doanh thu của HTX đạt 16 tỷ đồng. Trong đó doanh thu bán qua các kênh TMĐT chiếm từ 20-30%. HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu nâng cao doanh thu bán hàng online. Mở rộng tiếp thị, bán hàng ra các nước khác ngoài Cộng hòa Séc và Mỹ.

HTX Tân Dân (TP. Bắc Kạn) có ngành nghề chính là sản xuất đồ uống. Ông Bàn Văn Chiến, Giám đốc HTX cho hay: "Chúng tôi nhận thức rõ ích lợi của chuyển đổi số với sự phát triển của doanh nghiệp. Trước mắt, HTX tập trung tái cơ cấu, hoàn thiện sản phẩm về mọi mặt, phấn đấu trong năm 2023 sẽ tham gia vào các sàn thương mại điện tử"…

Chuyển đổi số là một khái niệm mới, nhưng kết quả đạt được nhờ ứng dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bắc Kạn là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, đối chiếu với thang 6 mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp tại Đề án “Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số” do Bộ Thông Tin và Truyền thông phê duyệt, thì doanh nghiệp Bắc Kạn mới đang ở "Mức 2 - Bắt đầu". Khó khăn về công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn đầu tư… đang là trở ngại chính. Khắc phục được những điều này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh sẽ bứt phá hơn nữa trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc giải quyết việc làm và tăng trưởng kinh tế chung của địa phương./.

Xem thêm