Mô hình Chợ 4.0 ở Bắc Kạn

BBK -Từ tháng 12/2022, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Tại thành phố Bắc Kạn, mô hình này được áp dụng rộng rãi, đem đến nhiều tiện ích.

Mô hình Chợ 4.0 được triển khai tại các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn gồm: Đức Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn, Quang Sơn và các khu vực kinh doanh tại sân Nhà Văn hóa tỉnh, đường Thanh Niên, đường Võ Nguyên Giáp. Thay vì phải dùng tiền mặt để mua bán như trước, với mô hình này, người mua và người bán có thể giao dịch, thanh toán bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Banking nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Tại chợ Đức Xuân, hầu hết tiểu thương và người mua hàng đều hài lòng vì sự thuận tiện của phương thức thanh toán này. Các chủ gian hàng đều được trang bị mã QR kết nối với các ngân hàng.

Bà Phạm Thanh Thủy, tiểu thương kinh doanh đồ gia dụng tại chợ Đức Xuân cho biết: “Tôi đã bán hàng hơn 30 năm và mới chỉ sử dụng phương pháp thanh toán qua mã QR được hơn 1 tháng. Tôi thấy hình thức này thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều. Người mua hàng của tôi cũng rất hài lòng”.

Chị Dương Thị Thuyên ở tổ 12, phường Sông Cầu cho biết: “Gần đây, khi đi chợ mua hàng tôi thường thanh toán không dùng tiền mặt. Các bước thực hiện thanh toán rất đơn giản, nhanh chóng. Tôi không phải ra cây ATM để rút tiền mỗi khi đi chợ như trước mà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là có thể sử dụng để giao dịch với các sạp hàng và ki-ốt trong chợ”.

Khách hàng thanh toán bằng quét mã QR tại Chợ Đức Xuân.

Khách hàng thanh toán bằng quét mã QR tại Chợ Đức Xuân.

Tại chợ Bắc Kạn và Nguyễn Thị Minh Khai, phương thức thanh toán bằng quét mã QR cũng được nhiều gian hàng áp dụng, nhưng vẫn có tiểu thương chưa mặn mà với mô hình này, vì chưa quen với phương thức thanh toán mới.

Bà Ngô Thị Nhuần, chủ cửa hàng gạo ở chợ Nguyễn Thị Minh Khai không có tài khoản ngân hàng và từ trước đến nay chỉ mua bán hàng hoá bằng tiền mặt. Gần đây, bà được hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng và nhận thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, phần vì ngại thay đổi, phần vì cao tuổi, mà đến nay, sau gần 2 tháng chợ triển khai mô hình này, bà vẫn chưa biết sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch. “Mỗi khi có khách hàng yêu cầu chuyển khoản tôi lại nhờ chuyển vào tài khoản các quầy hàng bên cạnh và nhận tiền mặt tại đó. Không chỉ tôi, hầu hết lao động nghèo hoặc người già, không có tài khoản ngân hàng hoặc điện thoại thông minh đều chưa biết sử dụng", bà Nhuần cho biết.

Chợ 4.0 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại, từ đó hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch hàng hóa. Mục tiêu năm 2023, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn và một số chợ trong tỉnh. Việc đẩy mạnh mô hình này là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến lưu thông tiền mặt.

Người dân có thể dễ dàng thanh toán chỉ bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua điện thoại.

Người dân có thể dễ dàng thanh toán chỉ bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua điện thoại.

Thành phố Bắc Kạn là trung tâm kinh tế-xã hội, giao thương hàng hoá của tỉnh, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt có tiềm năng phát triển, do tập trung đông dân cư, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao. Thực tế không chỉ các chợ, khu vực kinh doanh triển khai mô hình, mà nhiều chủ cửa hàng đã và đang trang bị mã QR cho quầy hàng để áp dụng hình thức thanh toán này.

Mô hình Chợ 4.0 rất thiết thực, tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi mô hình hình trong thời gian tới, vẫn cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý và các ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận mô hình tiện ích này./.

Xem thêm