Chị Đinh Thị Hằng, Giám đốc HTX Hà Anh ở xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) cho biết, HTX đã được hỗ trợ vốn đầu tư lợn giống; sắp tới tiếp tục được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm. Để khuyến khích, hỗ trợ người dân và các mô hình kinh tế tập thể liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ngay từ năm 2019 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND. Theo đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại những chi phí về tư vấn liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất và kỹ năng phát triển thị trường... Sau khi triển khai, đã có hàng nghìn hộ dân tham gia liên kết sản xuất gắn với thỏa thuận bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.
Để khắc phục hạn chế về vốn, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND hướng dẫn hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh…
Các chính sách này đã giúp đưa nguồn vốn của tỉnh và các chương trình MTQG vào đầu tư, hỗ trợ HTX phát triển sản xuất hàng hóa. Trong đó nổi bật là những hoạt động như: Hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển chăn nuôi; quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm"; hỗ trợ người dân sản xuất hàng hóa thông qua chuỗi liên kết với các HTX...
Kết quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP do các doanh nghiệp, HTX của Bắc Kạn làm ra đã được thị trường đón nhận, đánh giá cao, đem lại việc làm và thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như miến dong, các sản phẩm từ gừng, nghệ, chè, gạo Bao thai, gạo Japonica, bí xanh, mướp đắng, lạp sườn…
Ông Ngô Thế Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: Các HTX đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền máy móc, xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất ổn định… Đến nay, có 124 danh mục, dự án liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện với nguồn vốn hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng.
Là một trong những chủ thể được nhận hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, chị Đinh Thị Hằng, Giám đốc HTX Hà Anh (xã Nguyên Phúc, Bạch Thông) cho biết: HTX xây dựng chuỗi liên kết góp vốn chăn nuôi lợn tập trung, sản xuất lạp sườn và bán thịt lợn thương phẩm. Từ năm 2021 HTX được hỗ trợ gói hỗ trợ về giống trị giá 900 triệu đồng, giải ngân theo chu kỳ 3 năm, hiện đã nhận được 600 triệu đồng. Tới đây, HTX sẽ tiếp tục được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, nhà kho để sản xuất thức ăn chăn nuôi với diện tích khoảng 1.000m2, tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Ban lãnh đạo và bà con thành viên HTX rất phấn khởi, tiếp tục xây dựng quy trình sản xuất bền vững lâu dài.
Theo ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cái được lớn nhất là thông qua chính sách hỗ trợ giúp bà con từ bỏ cung cách làm ăn lạc hậu, manh mún; nâng cao giá trị, sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Các mô hình kinh tế HTX, tổ hợp tác ngày càng thuần thục trong việc liên doanh, liên kết từ khâu sản xuất, quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm…/.