Hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Kạn

Những năm qua, việc ban hành các chính sách trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được HĐND tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 và Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm 02 nội dung: Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với đối tượng hỗ trợ là người nông dân, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa với đối tượng hỗ trợ gồm doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất miến dong.

Sản xuất miến dong tại HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì.
Sản xuất miến dong tại HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì).

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phổ biến, triển khai Nghị quyết theo đúng quy định. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh vào các buổi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đồng thời, tổ chức các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, HTX để lựa chọn nội dung, sản phẩm cần liên kết sản xuất nhằm phát triển nhân rộng trong sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Theo đó, trong 02 năm 2020-2021, UBND tỉnh đã lựa chọn và phê duyệt 41 danh mục dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (năm 2020 phê duyệt 14 danh mục dự án, năm 2021 phê duyệt 27 danh mục dự án), trong đó có 05 dự án cấp tỉnh và 36 dự án cấp huyện. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm 2021 có 08/27 dự án không triển khai thực hiện được.

Trong 02 năm có 33/41 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai thực hiện. Tổng kinh phí phân bổ để thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất là hơn 17,6 tỷ đồng; số đã giải ngân đến 31/01/2022 là hơn 13,2 tỷ đồng, bằng 75,3% số vốn đã phân bổ. Thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã có 1.022 hộ dân tham gia liên kết sản xuất, 100% các sản phẩm từ dự án liên kết được chủ trì liên kết thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ.

Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa là hơn 2,2 tỷ đồng, gồm hỗ trợ cơ sở sản xuất miến dong và hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại.

Đối với hỗ trợ cơ sở sản xuất miến dong: Hiện có HTX Tài Hoan được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 725 triệu đồng; đến nay Hợp tác xã đang hoạt động sản xuất ổn định và hiệu quả, sản lượng miến dong năm 2021 đạt 300 tấn (tăng 100 tấn so với năm 2020). Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, đủ điều kiện xuất khẩu và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà tại thành phố Bắc Kạn.
Trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà tại thành phố Bắc Kạn.

Đối với hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại: Thực hiện hỗ trợ 02 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Bắc Kạn và thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể (Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà tại thành phố Bắc Kạn và HTX Sang Hà tại huyện Ba Bể), kinh phí hỗ trợ là 01 tỷ đồng (500 triệu đồng/điểm). Hiện nay, 02 điểm trưng bày đã đi vào hoạt động, mỗi điểm có khoảng 50 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của địa phương được trưng bày, giới thiệu cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Thành phố Hà Nội, các siêu thị tại Hà Nội tổ chức các tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng. Qua đó giúp cho một số doanh nghiệp, HTX ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn cho các siêu thị, doanh nghiệp ngoại tỉnh, như: Miến dong, bí xanh thơm, hồng không hạt, nấm sò, mộc nhĩ… Tổng số kinh phí thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa là 472 triệu đồng. Bên cạnh đó, có 13 HTX và tổ hợp tác được hỗ trợ kinh phí thẩm định, phân tích mẫu để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với số tiền hơn 69 triệu đồng.

Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo ổn định, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo ra một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, một số sản phẩm hàng hóa có thương hiệu của tỉnh cung ứng rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh nhưng tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp vẫn đạt khá (năm 2020 đạt 3,7%; năm 2021 đạt 4,2%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cũng bộc lộ một số bất cập, như: Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức hội, đoàn thể; hệ thống chỉ đạo sản xuất còn yếu kém, cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại cơ sở ở một số nơi còn yếu, chưa thường xuyên, sâu sát giúp đỡ các HTX nông nghiệp trên địa bàn hoạt động; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là người đứng đầu một số huyện, xã trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghị quyết chưa thực sự được quan tâm; năng lực nội tại của các đối tượng thụ hưởng chính sách còn yếu, nhất là năng lực của đơn vị chủ trì liên kết; việc liên kết sản xuất còn manh mún, sản phẩm chưa đủ lớn để trở thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nông nghiệp là tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn, việc xây dựng và triển khai những chính sách hỗ trợ phù hợp sẽ tạo điều kiện để tỉnh phát triển thế mạnh này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Nông Vui

Xem thêm