Hội nghị trực tuyến "30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

Sáng 01/12, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến "30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12).

Sáng 01/12, tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến "30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12).

Tham dự tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Hội nghị trực tuyến "30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam" và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS ảnh 1

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn. 

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị, trong 30 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành với cam kết chính trị mạnh mẽ, hệ thống văn bản hoàn thiện; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS có từ tuyến Trung ương tới tuyến cơ sở; hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện đa dạng; hoạt động điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng; công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao... Theo đánh giá của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS), Việt Nam có tốc độ giảm HIV/AIDS nhanh nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Trong khi đó, nguồn nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên có nhiều biến động; kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS vẫn dựa nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế (45%), nguồn kinh phí này đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp; nhiều hoạt động đặc thù trong phòng, chống HIV/AIDS chưa có cơ chế tài chính phù hợp... đang là những khó khăn, thách thức đối với công tác này.

Từ kết quả đạt được, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" với một số chỉ tiêu chính đến năm 2030, gồm: Số người nhiễm HIV mới được phát hiện ít hơn 1.000 người/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS ít hơn 1/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở mức dưới 2%... Giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS. Để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, ngành không chủ quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; ngành Y tế cần phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; cộng đồng xã hội cần tham gia tích cực hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS... để phấn đấu hoàn thành mục tiêu "Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Dịp này, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế; 01 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 06 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do đã có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS./.

Hoàng Vũ

Xem thêm