Khoản nợ khó đòi từ dự án trồng rừng nguyên liệu giấy (Bài 2)

Khi thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy, chính quyền các địa phương đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện và được sự ủng hộ nhất trí cao, người dân phấn khởi vì coi đây là một trong những dự án “có đầu ra ổn định” và sẽ cho thu nhập cao để giảm nghèo và vươn lên từ trồng rừng nguyên liệu giấy. Thế nên, cơ bản các diện tích hợp đồng với Công ty đều được người dân chú trọng chăm sóc, bảo vệ thật tốt để khi khai thác sẽ đạt được chất lượng tốt nhất và cho thu nhập cao. Tuy nhiên, khi Nhà máy giấy không được xây dựng, không thu mua nguyên liệu cho người dân theo như cam kết, dẫn đến nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn, tự tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng cũng bế tắc.

Kỳ 2: Cam kết năm xưa và những khoản nợ khó đòi

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong giai đoạn từ năm 2002 - 2004 Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu (nay là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn) có hợp đồng với hơn 5.000 hộ dân để thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy với diện tích thực hiện được hơn 4.967ha, trong đó Lâm trường Chợ Mới thực hiện được 990,98ha; Lâm trường Bạch Thông thực hiện 989,64ha; Lâm trường Ba Bể thực hiện 1.245,25ha; Lâm trường Na Rì thực hiện 400,46ha; Lâm trường Chợ Đồn thực hiện 790,48ha. Riêng Lâm trường Ngân Sơn thực hiện 550,29ha với gần 1.000 hộ dân thuộc các xã Hương Nê, Lãng Ngâm (nay là xã Hiệp Lực), xã Trung Hòa, thị trấn Nà Phặc và xã Thuần Mang tham gia ký hợp đồng thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy với Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu.

Phần đất của trồng cây keo cho Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu của gia đình bà Trương Thị Kim đã được thay thế để trồng cây màu hàng năm
Phần đất của trồng cây keo cho Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu của gia đình bà Trương Thị Kim đã được thay thế để trồng cây màu hàng năm

Theo ông Phạm Văn Thường- Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn cho biết: Để thực hiện được diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy, thời điểm đó Công ty đã được vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh và Công ty có trách nhiệm giải quyết đủ nguồn vốn vay cho người dân trồng rừng theo đúng định mức và suất đầu tư được duyệt; Công ty cho các hộ trồng rừng vay không tính lãi bằng vật tư (cây giống, phân bón, tiền nhân công và cho vay mỗi hộ tối đa 1 triệu đồng/1ha tiền công chăm sóc hai năm đầu sau khi trồng, nếu hộ nào có nhu cầu vay) và hỗ trợ kỹ thuật từ lúc trồng đến khi cây trồng đủ tuổi khai thác (theo chu kỳ của từng loại cây). Đặc biệt, trong hợp đồng với các hộ dân, Công ty cũng khẳng định trách nhiệm tổ chức khai thác, bao tiêu sản phẩm khai thác cho người dân và thu hồi vốn, tuy nhiên phần việc này phía Công ty đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Đối với người dân tham gia ký hợp đồng trồng rừng có trách nhiệm thi công trồng rừng theo đúng thiết kế, đúng quy trình kỹ thuật và các khâu sản xuất, quản lý, chăm sóc, bảo vệ đến khi khai thác thu hoạch sản phẩm. Sau khi khai thác rừng phải trả đủ khối lượng, chất lượng sản phẩm để trả đủ, đúng hạn các khoản chi phí đã được nhận để đầu tư trong quá trình trồng rừng.

Khó khăn với người dân trồng rừng

Theo ông Lý Văn Nguyên, thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn), năm 2002, gia đình có ký hợp đồng với Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu trồng 1ha, trong đó một phần trồng cây luồng và một phần trồng cây keo. Gia đình đã thực hiện tốt về quy trình kỹ thuật, chăm sóc và bảo vệ theo hợp đồng đã ký, tuy nhiên đến năm 2010 cây luồng, cây keo đều đã có thể khai thác, gia đình cũng đã có ý kiến đến UBND xã và Lâm trường Ngân Sơn nhưng chờ mãi không thấy đến thu mua theo như hợp đồng đã cam kết với người dân về việc bao tiêu sản phẩm. Đến khoảng năm 2015 nhiều cây keo cũng chết, gãy đổ gia đình đã chặt làm củi và để lấy đất trồng ngô; đối với cây luồng trồng lên rất tốt và hiện nay vẫn còn nhưng chẳng bán được cho ai. Hiện nay kinh tế gia đình vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn và trong diện hộ nghèo của thôn cũng không có khả năng trả nợ theo như nội dung văn bản của Lâm trường Ngân Sơn cũng như của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn.

Trao đổi với chúng tôi với sự thất vọng về việc trót tham gia dự án trồng rừng nguyên liệu giấy, bà Trương Thị Kim, thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình cũng trồng hơn 1ha đất đồi trồng cây keo, đến năm 2010 cây keo đã lớn và có thể khai thác nhưng Công ty không đến thu mua, sau nhiều lần có ý kiến đến chính quyền địa phương và được sự đồng ý về việc tự tìm đầu ra, nên đến năm 2014 gia đình đã thuê người chặt rừng keo để bán cho tư thương. Tất cả tiền bán keo được 16 triệu đồng, trong đó tiền thuê nhân công chặt và vận chuyển ra đường để bán hết hơn 8 triệu đồng, gia đình cũng đem trả số tiền vay hơn 2 triệu đồng cho Lâm trường Ngân Sơn. Như vậy là hơn 1ha rừng của gia đình trồng cây keo sau 12 năm chăm sóc, bảo vệ, mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng cũng chỉ bán được hơn 5 triệu đồng.

Ông Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực
Ông Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực

Theo ông Long Minh Giám- Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực: Mới đây, sau khi Lâm trường Ngân Sơn có văn bản gửi đến địa phương về việc thu hồi nợ của các hộ dân đã tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy giai đoạn 2002 – 2004, UBND xã đã triển khai văn bản xuống thôn nhưng người dân rất bức xúc và cho rằng đến nay đã 20 năm kể từ khi trồng cây nguyên liệu nhưng Công ty không đến thu mua theo cam kết là đã vi phạm hợp đồng. Một số hộ dân không đồng tình trong việc trả lại tiền, một số hộ thì mong muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét nghĩa vụ hợp đồng và các cam kết đã được các bên thể hiện, từ đó có biện pháp, giải phát giúp cho người dân.

Ông Hoàng Văn Phấn- Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn.
Ông Hoàng Văn Phấn- Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Hoàng Văn Phấn- Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn cho biết: Tổng số nợ của người dân đối với Lâm trường Ngân Sơn hiện còn hơn 600 triệu đồng. Trước đây vài năm Lâm trường Ngân Sơn cũng đã vài lần có giấy báo thu hồi nợ gửi đến các hộ dân nhưng phần lớn người dân không đồng tình. Để thu được là số tiền nói trên là rất khó khăn và không có khả thi, vì người dân cho rằng Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu đã vi phạm cam kết về việc bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng; một số hộ dân trồng rừng và không thành rừng hiện nay đã chuyển mục đích sử dụng; một số hộ thì có rừng đã khai thác nhưng Lâm trường cũng không giám sát được và đã chuyển sang trồng cây khác…nên việc thu hồi tiền của người dân là không khả thi.

Hướng giải quyết và bài học kinh nghiệm

Phóng viên Báo Bắc Kạn đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về hướng giải quyết để bảo đảm hài hòa lợi ích từ trồng rừng nguyên liệu giấy trong giai đoạn 2002 – 2004 và việc thu hồi khoản nợ từ người dân trong thời gian tới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, UBND tỉnh đã nhiều lần họp bàn để giải quyết vấn đề này, cũng như yêu cầu Công ty lâm nghiệp rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích trồng rừng nhưng không thành rừng, những diện tích thành rừng cũng như các chủng loại cây và đánh giá nguyên nhân việc sử dụng được hay không sử dụng được để từ đó xem xét việc thu hồi vốn.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phóng viên
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Bắc Kạn về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy giai đoạn 2002 - 2004

Trên cơ sở đó trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty lâm nghiệp và chính quyền các địa phương xem xét cụ thể phần diện tích trồng cây nào mà bà con nhân dân khai thác được thì phần đó sẽ phải thực hiện thu hồi vốn; đối với những diện tích, loại cây trồng nào bà con đã trồng và thành rừng nhưng không khai thác, không có thị trường và Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu không thực hiện theo hợp đồng sẽ được tổng hợp lại để báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND,  UBND tỉnh để xin chủ trương thống nhất theo hướng giải quyết hài hòa, hợp lý nhất, trước tiên là bảo dảm quyền lợi, lợi ích của người dân đồng thời bảo đảm các quy định về quản lý ngân sách Nhà nước.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh Bắc Kạn vẫn đang là một trong những tỉnh khó khăn, tỉnh vẫn đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Qua sự việc này chúng ta cũng rút ra bài học quan trọng trong việc lựa chọn các nhà đầu tư đến với tỉnh cần bảo đảm về năng lực kinh doanh, tài chính, đặc biệt là phải tâm huyết với hướng đầu tư đã lựa chọn để từ đó bảo đảm tính hiệu quả nhất là các dự án liên quan đến vùng nguyên liệu, liên quan đến người dân.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa X liên quan vấn đề này, đồng chí Đinh Quang Tuyên- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khẳng định: UBND tỉnh đã nhiều lần đôn đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn và mới đây làm việc với Công ty để tìm giải pháp, tìm nguồn tài chính, trong đó sẽ phải thực hiện bán một số tài sản có giá trị của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bắc Kạn hiện có để xử lý khoản nợ tiền ngân sách đã được Thanh tra tỉnh chỉ ra với số tiền 4,88 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Hoàng Đình Toàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trong trường hợp này, người dân đã tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy và có được sản phẩm là cây trồng, bán được cây trồng mặc dù không phải do Công ty nguyên liệu giấy Sông Cầu thu mua theo như hợp đồng đã ký kết thì cũng nên chia sẻ với phía Công ty mà trả lại phần vốn mà Công ty đã cho vay không lãi suất. Bởi lẽ, đây là sự việc không mong muốn của Công ty, là trường hợp có thể coi là rủi ro khách quan mang lại, phía Công ty cũng đã có trách nhiệm và được thể hiện bằng việc liên hệ với nhiều đối tác khác trong và ngoài tỉnh để làm việc với mong muốn tiêu thụ được sản phẩm theo hợp đồng mà Công ty đã ký kết với người dân nhưng không được như mong muốn. Mặt khác, phía Công ty cũng như các cơ quan đơn vị chức năng liên quan, chính quyền các cấp cần xem xét cụ thể từng trường hợp để có biện pháp khoanh nợ, xóa nợ, sử dụng các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ, giúp đỡ người dân./. (Hết)

Văn Lạ

Xem thêm