Ngày Khí tượng thế giới (23/3): Sẵn sàng với thay đổi thời tiết

Hàng năm, vào ngày 23/3, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và cộng đồng Khí tượng Quốc tế lại cùng nhau kỷ niệm “Ngày Khí tượng thế giới”. Ngày này, vào năm 1950, Công ước WMO chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự kiện WMO kế thừa nhiệm vụ của Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO) thành lập năm 1873 nhằm thúc đẩy hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực Khí tượng để đảm bảo tính mạng và tài sản của con người.

Hàng năm, vào ngày 23/3, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và cộng đồng Khí tượng Quốc tế lại cùng nhau kỷ niệm “Ngày Khí tượng thế giới”. Ngày này, vào năm 1950, Công ước WMO chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự kiện WMO kế thừa nhiệm vụ của Tổ chức Khí tượng Quốc tế (IMO) thành lập năm 1873 nhằm thúc đẩy hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực Khí tượng để đảm bảo tính mạng và tài sản của con người.

Ngày Khí tượng thế giới là một sự kiện quốc tế được tổ chức thường niên vào ngày 23/3 hàng năm, bắt đầu từ năm 1961. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày bản Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có hiệu lực (23/3/1950) cũng như tôn vinh những đóng góp của các cơ quan Khí tượng thủy văn đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người, mỗi năm Tổ chức Khí tượng thế giới đưa ra một chủ đề nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới năm 2018 là: “Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, Ứng phó thông minh với khí hậu” nhằm giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về các vấn đề thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu. Từ đó, thay đổi suy nghĩ và hành động của con người, hướng đến mục tiêu cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong cuộc sống thì dự báo tình hình có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, dự báo thời tiết có vị trí rất quan trọng xác định những diễn biến để con người kịp thời ứng phó với những biến đổi cực đoan từ đó phát triển kinh tế, xã hội đạt hiệu quả cao nhất. Trên thực tế, việc thiếu quan tâm tới các bản tin dự báo thời tiết đã nhiều lần gây hậu quả lớn cho người dân tỉnh ta. Đơn cử như đợt rét cách đây vài năm, không theo dõi, nắm chắc thông tin dự báo đã khiến vài nghìn con trâu, bò bị chết, thiệt hại vài chục tỷ đồng. Hay mới đây nhất, đợt giông, lốc kèm mưa đá dù đã được cảnh báo nhưng việc ít để ý tới cảnh báo này đã khiến mức độ thiệt hại lớn hơn...

Thời tiết, khí hậu và nước đều rất quan trọng đối với an sinh xã hội, sức khoẻ cộng đồng và an ninh lương thực. Nhưng chúng cũng có thể trở thành nên nguy hiểm và có sức tàn phá khủng khiếp. Các loại hình thời tiết gây tác động lớn như bão, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán... đã và đang cướp đi sinh mạng và sinh kế của người dân trong. Ngày nay, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của những loại hình thiên tai này.

Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn thu thập số liệu quan trắc.
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn thu thập số liệu quan trắc.

Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới tỉnh ta trong vài năm trở lại đây. Trước hết nền nhiệt trung bình hàng năm đã cao hơn so với những năm trước đây. Thời tiết diễn biến theo hướng rét đậm hơn, nắng nóng hơn tác động tiêu cực tới đời sống và sản xuất nông lâm nghiệp. Hàng năm, mưa bão gây thiệt hại trung bình hàng trăm tỷ đồng, phá hại tài sản, hoa màu của nhân dân, kết cấu hạ tầng. Hạn hán gia tăng làm hàng nghìn ha đất lúa thiếu nước canh tác mỗi năm...

Cảnh báo sớm là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Cảnh báo sớm có thể giúp giảm được thiệt hại về người, tài sản và kinh tế khi thiên tai xảy ra. Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn được kiện toàn tổ chức cán bộ với đội ngũ kỹ sư được đào tạo bài bản thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin tư liệu KTTV, điều tra cơ bản, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước, quan trắc định vị sét và giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong phạm vi tỉnh Bắc Kạn. Đài có 10 trạm, điểm đo khí tượng thủy văn trực thuộc góp phần tăng độ chính xác trong công tác dự báo hàng ngày.

Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, những năm qua, tỉnh ta đã rất chú trọng tới công tác khí tượng thủy văn. Mạng lưới các điểm quan trắc đã được xây dựng đồng bộ, tương đối đầy đủ. Tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu huy động các sở, ngành, các huyện, thành phố, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các huyện thành phố, Báo Bắc Kạn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng tham gia vào công tác này. Các bản tin dự báo thời tiết luôn cập nhật sớm, độ chính xác cao, thông tin rộng rãi qua nhiều kênh tới nhân dân, các địa phương.

Ứng phó thông minh với khí hậu, năm 2012 tỉnh ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020. Ngoài việc nghiên cứu, xác định rõ, sâu hơn các tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng và nhanh chóng ban hành các chương trình, giải pháp, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, Bắc Kạn còn tổ chức lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào trong quá trình quản lý, kế hoạch hóa trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 Nhiều mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời như ngô xen đậu xanh thích ứng hạn (trên đất lúa một vụ); gừng, cây dược liệu xen chuối tây trên đất dốc với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam; phát triển cây khoai tây thích ứng rét; chăn nuôi thích ứng rét; cây Dong riềng chống chịu hạn trên đất lúa một vụ. Đồng thời xây dựng “Tài liệu hướng dẫn xác định Kiến thức bản địa và ứng dụng Kiến thức bản địa trong ứng phó với Biến đổi khí hậu”.

Với định hướng xây dựng và thực hiện các dự án Cơ chế phát triển sạch – CDM, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các dự án CDM. Trong đó tập trung nghiên cứu và đề xuất tham gia CDM trong các lĩnh vực có tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn như: sản xuất năng lượng (các công trình thủy điện), xử lý rác thải, trồng rừng, khoáng sản.

Tuy nhiên, công tác dự báo chỉ hiệu quả khi thông tin dự báo đến được với người dân và được người dân quan tâm, lưu tâm chủ động các biện pháp đề phòng thời tiết cực đoan. Do đó, người dân và các cộng đồng có nguy cơ chịu rủi ro do thiên tai cần phải tham gia tích cực các hệ thống cảnh báo sớm. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro do thiên tai cũng cần được đẩy mạnh, nhằm phổ biến một cách có hiệu quả các thông tin cảnh báo dự báo, bảo đảm sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Tránh tình trạng, ngành chức năng cứ dự báo, người dân, địa phương thì không quan tâm dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về người, thiệt hại về tài sản xảy ra./.

PV

Xem thêm