Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, sử dụng rượu, bia sai cách có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, là nguy cơ gây ra các tác động xấu đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế.
Ảnh minh họa |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, người nghiện rượu bia trên cả nước nói chung và tại tỉnh nói riêng có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế tỉnh mới chỉ theo dõi, điều trị thường xuyên được gần 1.000 người nghiện rượu, bia trên địa bàn.
Bác sĩ Đoàn Mạnh Thịnh- Trưởng Khoa Kiểm soát phòng, chống bệnh không lây nhiễm, CDC tỉnh cho biết: Rượu, bia là một loại nước uống có chứa một tỷ lệ nhất định Ethanol (Allcol ethylic). Nồng độ rượu càng cao thì lượng Ethanol càng nhiều. Uống rượu, bia có thể gây ra nhiễm độc cấp (say rượu, bia thông thường, say rượu, bia bệnh lý, hoặc nhiễm độc mạn tính), gây hại cho nhiều cơ quan nội tạng và sức khoẻ tâm thần.
Một người uống rượu, bia chưa hẳn đã nghiện (chỉ xác định là nghiện khi có đủ một số triệu chứng quy định) nhưng vẫn có thể làm hại đến sức khoẻ của họ, không có ngưỡng an toàn trong việc uống rượu bia . Vì vậy uống rượu, bia trong một tình huống nào đó gây hại cho sức khoẻ của mình, những trường hợp như thế được coi là lạm dụng.
Nghiện rượu, bia đứng về mặt y học thì đó là một bệnh mạn tính, do nhu cầu uống rượu, bia không được thoả mãn thường xuyên và ngày càng gia tăng gây ra cho người bệnh một sự đam mê (thèm bắt buộc).
Nghiện rượu, bia đứng về mặt xã hội thì đó là nhu cầu uống rượu, bia không được thoả mãn thường xuyên, lối sống trở nên bê tha, làm giảm sức lao động. Nghiện rượu, bia là một bệnh. Say rượu, bia thường xuyên là giai đoạn đầu của nghiện rượu, bia.
Nếu sử dụng hằng ngày vượt quá 1ml cho 1kg cân nặng hoặc 3/4 lít rượu vang 100 cho 1 người đàn ông 70kg nghĩa là mức đánh giá người đó nghiện rượu.
Nghiện rượu, bia là sự thèm muốn dẫn đến sự đòi hỏi thường xuyên rượu, bia dẫn đến rối loạn nhân cách, thói quen, giảm khả năng hoạt động ảnh hưởng đến sức khoẻ. Người nghiện rượu sẽ có những biểu hiện như:
Thèm muốn và uống rượu, bia mặc dù biết có hại.
Khó khăn trong kiểm soát thói quen uống rượu.
Khả năng dung nạp càng tăng (uống ngày càng nhiều).
Xuất hiện hội chứng cai khi ngừng uống rượu (lo âu, vã mồ hôi, tăng nhịp tim, run, hoang tưởng, ảo giác, có thể có co giật hoặc kích động tâm thần vận động, cơn co giật kiểu động kinh cơn lớn…). Khi ngấm rượu, bia mặt đỏ, hơi thở đặc biệt, mồ hôi, rớt dãi vào buổi sáng, chứng co cơ, mất ngủ và ác mộng.
Tồn tại những phức hợp của bệnh cơ thể như gan, tiêu hoá, thần kinh, tim mạch.
Hội chứng tăng cảm xúc vào buổi sáng, cơn động kinh, cơn sảng rượu, bia hoặc những dấu hiệu tiền sảng rượu, bia, trạng thái ảo giác hoang tưởng hoặc ảo giác đơn thuần (gần với trạng thái mê mộng của sảng).
Những dấu hiệu tăng cảm giác, tăng cảm xúc, xuất hiện vào buổi sáng và mất đi vào buổi tối, run rẩy chân tay, lời nói, khô miệng, buồn nôn, cảm giác kiệt sức và thiếu nghị lực, rối loạn thần kinh thực vật, lo âu, khí sắc trầm cảm hoặc kích thích. Các biểu hiện này chỉ được dịu đi người đó được uống rượu, bia.
Tiến triển của quá trình nghiện rượu, bia trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu sẽ suy nhược thần kinh; Giai đoạn thứ 2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng của hội chứng cai. Giai đoạn cuối cùng bệnh não thực tổn do rượu, có nhiều biểu hiện rối loạn tâm thần phức tạp và nặng nề cùng với các rối loạn thần kinh thực tổn đa dạng. Đối với giai đoạn này người ta coi như giai đoạn rối loạn tâm thần mãn tính do rượu, bia.
Người nghiện rượu hoàn toàn có thể bỏ được rượu nhưng cần có quyết tâm cao và sự hỗ trợ của người thân. Những người uống dưới 300ml/ngày có thể tự bỏ rượu được, nhưng từ 300ml/ngày trở lên phải có sự hỗ của bác sĩ, y tế. Nếu bỏ đột ngột có thể lên cơn sảng rượu không những nguy hiểm cho mình mà còn cho những người xung quanh, bởi nó gây ra ảo giác tâm thần dẫn đến những hành động kích thích quá mức./.
V.B