Những con đường tri ân

Cốc Đán và Thượng Ân, cái nôi truyền thống cách mạng của huyện Ngân Sơn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Cách đây hơn 80 năm đã vinh dự tự hào đón đoàn cán bộ Nam tiến đến gây dựng phong trào cách mạng, thực hiện sứ mệnh lịch sử phát triển con đường cách mạng Nam tiến từ Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Thái Nguyên nối với phong trào cách mạng miền xuôi theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chuẩn bị các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Con đường dài hơn 10km kết nối từ điểm đầu thuộc địa phận thôn Nà Pài, xã Thượng Ân (Ngân Sơn) với điểm cuối tuyến Km10+371 giao với đường liên thôn của xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được cải tạo, nâng cấp tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi.

Con đường dài hơn 10km kết nối từ điểm đầu thuộc địa phận thôn Nà Pài, xã Thượng Ân (Ngân Sơn) với điểm cuối tuyến Km10+371 giao với đường liên thôn của xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được cải tạo, nâng cấp tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi.

Giờ đây những con đường mòn lịch sử nối trung tâm đầu não cách mạng từ căn cứ địa Cao Bằng xuống Bắc Kạn, nơi còn in dấu chân của những chiến sĩ cách mạng đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng kết nối giữa các vùng như tấm lòng tri ân đối với đồng bào vùng quê cách mạng còn nhiều khó khăn này.

Từ đường cách mạng Nam tiến xưa…

80 năm đã trôi xa nhưng câu chuyện lịch sử về con đường cách mạng Nam tiến gắn sự kiện thành lập của Chi bộ Chí Kiên (Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn tháng 9/1943) và niềm tin của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông xã Cốc Đán, Thượng Ân (Ngân Sơn) thủy chung son sắt đi theo cách mạng vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim những người dân Bắc Kạn. Ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã chọn Cao Bằng là nơi trở về nước để lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. (Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (tháng 01/1930) của đồng chí Nguyễn Ái Quốc).

Từ năm 1941-1942, sau khi thí điểm, phong trào cách mạng Việt Minh lớn mạnh tại Cao Bằng đặc biệt là châu Nguyên Bình giáp với huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Trung ương Đảng quyết định phát triển phong trào Việt Minh theo tuyến đường chiến lược Nam tiến. Lửa đấu tranh cách mạng từ căn cứ địa Cao Bằng được tỏa đi các hướng về xuôi chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Bắc Kạn vinh dự là mắt xích quan trọng nối phong trào cách mạng từ Cao Bằng về xuôi.

Các chiến sĩ cách mạng như đồng chí Thành Tâm (Đồng Văn Bằng, Đồng Văn Hàm); Đông Sơn (Doanh Hằng, Doanh Thăng Hỷ); Nghĩa (Dương Mạc Hiếu, Dương Mạc Lý) dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải vượt qua những dãy núi cao Phja Oắc, Phja Dạ, Phja Bjoóc rất hiểm trở, gian nguy dưới sự kiểm soát, khủng bố gắt gao của quân Pháp để gây dựng ngọn lửa cách mạng ở vùng đồng bào Ngân Sơn, Chợ Rã. Những con đường mòn xưa nối các xã giáp ranh giữa 02 huyện Ngân Sơn và Nguyên Bình nay như còn in dấu chân của các chiến sĩ cách mạng anh dũng, kiên cường.

… tới con đường tri ân nay

Trở lại Cốc Đán, Thượng Ân vào một ngày cuối năm trên con đường vừa mới hoàn thành bon bon xe chạy xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn, nơi có bản làng người Tày, Nùng, Mông, Dao sinh sống bao đời nay. Ước muốn về một con đường ô tô có thể đến nơi đã thành hiện thực thay thế con đường mòn chỉ vừa bước chân khi xưa.


Chỉ trong thời gian ngắn hơn 04km đường bê tông nền rộng 04m, điểm đầu nối với đường bê tông hiện có từ trung tâm xã Cốc Đán qua thôn Khuổi Ngoài, điểm cuối nối vào tuyến đường xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có tổng mức đầu tư hơn 07 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã hoàn thiện về đích trước 06 tháng trong năm nay.

Con đường từ xã Cốc Đán nối sang xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã được đầu tư nâng cấp.Con đường từ xã Cốc Đán nối sang xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã được đầu tư nâng cấp.

Vợ chồng anh Lý Hữu Xí, dân tộc Dao, một trong 26 hộ dân của thôn Khuổi Ngoài phấn khởi cho biết: Từ khi con đường hoàn thành, nhà nào trong thôn cũng cố gắng mua xe máy. Vợ chồng anh cũng vậy đã quyết định mua chiếc xe máy từ tiền tích cóp để phục vụ đi lại. Trước đây khi chưa có đường bê tông, người dân hoàn toàn phải đi bộ ra ngoài thôn vì chỉ có con đường mòn, dốc cao gập ghềnh đi xuyên rừng. Người dân có nghề trồng thuốc lá, tư thương đến mua cũng ngại vì phải “tăng bo” vác đi bộ mấy ki lô mét mới ra điểm có xe ô tô bốc hàng nên giá thường thấp hơn so với những nơi khác. Trẻ em cũng phải đi bộ gần 07km mới ra đến trường chính. Bà con đã sẵn sàng hiến đất để làm đường mà không hề suy tính thiệt hơn. Nay có đường rồi, nhà nào cũng phấn khởi mở rộng diện tích trồng thuốc lá để tăng thu nhập, người ốm sẽ được đi bệnh viện kịp thời, trẻ em không còn bỏ học vì đường sá khó khăn. Tuy nhiên, đồng bào nơi đây vẫn khát khao được sử dụng điện lưới quốc gia. Được biết Cốc Đán là xã có nhiều thôn bản chưa có điện lưới nhất của tỉnh Bắc Kạn, với 07/21 thôn bản chưa có điện.

Bà con nhân dân thôn Khuổi Ngoài, xã Cốc Đán (Ngân Sơn) phấn khởi khi năm nay có đường mới.Bà con nhân dân thôn Khuổi Ngoài, xã Cốc Đán (Ngân Sơn) phấn khởi khi năm nay có đường mới.

Trước đó vào tháng 3/2023, công trình “Cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm xã Thượng Ân tỉnh Bắc Kạn với xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng”, thuộc dự án “Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc” với chiều dài hơn 10km, nền đường rộng 6m đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Người dân các xã giáp ranh của 02 huyện Ngân Sơn và Nguyên Bình giờ đây có thể qua lại thuận tiện, thông thương hàng hoá nhờ việc đầu tư hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

Như vậy, trong năm 2023 Nhà nước đã đầu tư nâng cấp 02 con đường cho vùng quê cách mạng Ngân Sơn. Những công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nắng vàng như mật trải dài trên núi rừng trùng điệp xã Cốc Đán, Thượng Ân và những nếp nhà sàn nơi bản làng vùng cao. Cảnh sắc và cuộc sống đồng bào nơi đây như bừng sáng vì được tô điểm bởi những con đường rộng thênh thang, như dải lụa ôm ấp sườn núi. Đâu đó tiếng xe máy rộn rã của bà con từ xã bạn sang chợ phiên, thi thoảng có ô tô vào tận thôn mua hàng hoá nông sản. Trên triền núi những cành hoa đào, hoa mơ đã bắt đầu hé nụ báo hiệu mùa xuân mới khởi sắc hơn xưa./.

Xem thêm