Nuôi cá tầm trên dòng nước chảy tự nhiên ở Văn Lang

BBK - Xã Văn Lang, huyện Na Rì được thiên nhiên ưu đãi địa hình và điều kiện khí hậu trong lành, thuận lợi cho việc nuôi thủy sản, đặc biệt là giống cá tầm. Tận dụng lợi thế của địa phương, anh Nguyễn Hoàng Duy đã nuôi thành công giống cá nước lạnh, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế.

ca-tam.jpg
Anh Nguyễn Hoàng Duy theo dõi lượng ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp với nhiệt độ thời tiết.

Cá tầm là loại cá nước ngọt, chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ thấp. Ở tỉnh Bắc Kạn, cá tầm được nuôi nhiều ở các xã Bằng Phúc (Chợ Đồn), xã Yến Dương (Ba Bể)… Ít ai biết rằng ở xã Văn Lang (Na Rì) cũng có người tiên phong nuôi thành công giống cá cho thu nhập cao này.

Nằm dưới chân núi đá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, thôn Nà Dường, xã Văn Lang (Na Rì) được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, nước suối đầu nguồn mát lạnh, nhiều con suối phụ lưu trên địa bàn xã (Khuổi Sáng, khuổi Đẳng, Nà Toàn), sườn núi có độ dốc cao rất thích hợp để nuôi cá tầm. Nhận thấy lợi thế của địa phương, cùng với số vốn tiết kiệm anh Nguyễn Hoàng Duy đã bắt đầu tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn bắt tay vào khởi nghiệp nuôi cá tầm.

Anh Duy chia sẻ: Năm 2012, được một người bạn ở Sa Pa giới thiệu cho giống cá tầm, ngay lập tức, tôi bị cuốn hút bởi loài cá này và quyết định thử sức. Ban đầu, tôi nuôi 500 con cá tầm trong lồng bè, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên cá bị chết một nửa. Tuy vậy, tôi không nản chí mà tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật, tìm đến các địa chỉ cung cấp cá giống uy tín ở Lào Cai, Yên Bái để nhập về các giống cá tốt, đảm bảo chất lượng. Sau một thời gian mày mò học hỏi, chăm sóc, đàn cá của gia đình phát triển tốt, đạt trọng lượng 2,5-3kg/con, mang lại nguồn thu nhập khá.

Nhận thấy tiềm năng từ loài cá này và mong muốn phát triển mở rộng mô hình. Cuối năm 2022, anh Nguyễn Hoàng Duy đứng ra vận động thành lập Hợp tác xã Nông Lâm Thủy sản Hoàng Duy với 8 thành viên. Hiện tại Hợp tác xã đang có 4 bể nuôi cá tầm, với diện tích khoảng 300m2 để nuôi 3.000 con cá.

Theo anh Duy, nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc nhưng quan trọng phải đảm bảo cung cấp nguồn nước lạnh sạch, không ô nhiễm. Việc chăm sóc và theo dõi đàn cá phát triển hàng ngày cũng giúp kịp thời phát hiện và xử lý những bệnh thường gặp trên đàn cá.

nguon-nuoc.jpg
Nguồn nước được lấy từ các dòng suối chảy tự nhiên.

Anh Duy cho biết thêm: Hằng ngày tôi chia thời gian 3 lần đều đặn cho cá ăn, theo dõi lượng ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp. Đối với nhiều nơi khác, vào những ngày thời tiết nắng nóng hoặc lạnh đột ngột cá thường bỏ ăn. Nhưng do nhiệt độ nước và nhiệt độ môi trường ở đây không chênh nhau nhiều nên cá sinh trưởng và phát triển tốt”.

Cá tầm thương phẩm được xuất bán khi đạt trọng lượng từ 2kg trở lên. Bình quân hằng năm Hợp tác xã xuất bán ra thị trường khoảng 4 đến 5 tấn cá, với giá bán từ 200.000 đến 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu về khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Hiện Hợp tác xã đang xây thêm 3 bể và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với các hộ dân để phát triển, mở rộng quy mô.

Dù gặp phải thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với việc cá tràn ra ngoài và sản lượng giảm đáng kể, hợp tác xã đã nhanh chóng cho thu hoạch. Mặc dù giá bán giảm chỉ còn 170.000 đồng/kg, nhưng nhờ số lượng cá lớn, hợp tác xã vẫn thu được lợi nhuận khả quan. Đồng thời đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, sửa chữa bể nuôi và hệ thống nước, tiếp tục thả thêm 3.000 con giống mới. Điều này cho thấy sự kiên trì và quyết tâm của hợp tác xã trong việc phát triển mô hình nuôi cá tầm, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Lãnh đạo xã Văn Lang đánh giá về mô hình nuôi cá tầm.

Ông Mã Ngọc Quốc, Chủ tịch UBND xã Văn Lang, huyện Na Rì cho biết: Mô hình nuôi cá tầm giúp phát huy tiềm năng thế mạnh về nguồn nước, môi trường khí hậu trong lành của địa phương. Để thực hiện tốt mô hình nuôi cá tầm, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn động viên, khích lệ Hợp tác xã Nông Lâm Thủy sản Hoàng Duy phát huy nỗ lực phát triển mô hình kinh tế mới gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Xã vận động, khuyến khích người dân đầu tư tham gia mô hình nuôi cá tầm; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá để nâng cao chất lượng cá tầm thương phẩm. Từ đó, hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, chăn nuôi theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

Xem thêm