Vườn Quốc gia Ba Bể (VQG), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, không chỉ là một khu vực có giá trị về mặt sinh thái mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của vùng núi phía Bắc. Rừng đặc dụng tại Ba Bể là nơi sinh sống của hàng trăm loài thực vật và động vật quý hiếm, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ sinh thái rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ nguồn nước cho khu vực.
Những năm qua, để quản lý, bảo vệ tốt rừng đặc dụng, VQG Ba Bể đã triển khai các giải pháp như: Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng, đảm bảo chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Bố trí nhân lực, trang thiết bị hiện đại và tổ chức tuần tra thường xuyên để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng. Tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ rừng cho người dân địa phương, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tuyên truyền thông qua các hoạt động du lịch, khuyến khích du khách và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và các hệ sinh thái
Theo đánh giá của ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể: Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, rừng đặc dụng đã được bảo vệ nghiêm ngặt, không còn tình trạng chặt, phát, phá như trước đây nữa. Ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên nhờ có giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Tuy vậy, qua theo dõi, nắm bắt vẫn còn hiện tượng săn bắt, bẫy thú rừng trái phép, tiềm ẩn nguy cơ việc chặt cây rừng trái phép, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và động vật rừng hiện có.
Do vậy, trong thời gian tới VQG Ba Bể tiếp tục đặt ra một số giải pháp như: Tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; người đứng đầu cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được đưa vào trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kịp thời ngăn chặn các hành vi về xâm hại rừng, môi trường rừng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về chặt, phát phá rừng, săn bắt trái phép động vật rừng./.