Phát huy vai trò của người dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

BBK - Chiều 03/7, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và phong trào “Dân vận khéo” tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận tại hội nghị.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận tại hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và phong trào “Dân vận khéo” tỉnh Bắc Kạn; Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban chỉ đạo.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, xử lý 850 đơn thư, gồm: 18 đơn khiếu nại, 45 đơn tố cáo và 787 đơn đề nghị, phản ánh. Trong đó, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị là 09; đã giải quyết xong 07 vụ việc (04 vụ khiếu nại; 03 vụ tố cáo); 02 vụ việc còn lại đang được các cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo quy định. Các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 268 lượt tiếp công dân.

Các đại biểu dự hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tại hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tại hội nghị.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) được các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền được các cấp, ngành, các cơ quan thông tin truyền thông quan tâm. Ban Chỉ đạo các cấp được kiện toàn kịp thời và thực hiện khá tốt nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, có 2.537 mô hình DVK đăng ký, duy trì thực hiện, tăng 177 mô hình so với năm 2022; trong đó, có 1.298 mô hình đăng ký mới, 1.239 mô hình duy trì.

Hội nghị đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác này thời gian qua, như: Một số Ban chỉ đạo ở cơ sở hoạt động thiếu quyết liệt, chưa kịp thời đôn đốc thành viên BCĐ thực hiện nhiệm vụ được phân công; chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Việc cụ thể hóa, triển khai một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác dân vận, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tiễn của cấp mình. Một số cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào “Dân vận khéo” nên chất lượng, hiệu quả thực hiện chưa cao.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào “Dân vận khéo”. Tuy nhiên, đồng chí chỉ rõ một số nội dung chưa thực sự được chú trọng. Một số vấn đề người dân cần được biết, được bàn, được giám sát, được tham gia ý kiến…nhưng chưa thực sự được triển khai công khai minh bạch, nhất là ở cấp cơ sở.

Tại một số đơn vị, doanh nghiệp, việc thực hiện các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm y tế… cho người lao động chưa bảo đảm. Đồng chí Phương Thị Thanh đề nghị thời gian tới các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Thực hiện nghiêm việc tiếp thu ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp, bảo đảm việc triển khai thực hiện thực chất hơn, hiệu quả hơn, nâng cao vai trò của người dân trong việc giám sát, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở./.

Xem thêm