Là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh nhưng chè Shan tuyết Bằng Phúc (Chợ Đồn) vẫn chưa thể cạnh tranh trên thị trường, việc tiêu thụ còn nhiều khó khăn.
Những gốc chè cổ thụ của gia đình bà Hoàng Thị Thiệp ở thôn Nà Bay, xã Bằng Phúc. |
Nhiều gốc chè cổ thụ hàng trăm tuổi
Với đặc điểm khí hậu thiên về ôn đới, nhiều sương mù và nhiệt độ thấp hơn so với vùng khác, xã Bằng Phúc rất phù hợp để phát triển cây chè Shan tuyết. Từ nhiều chương trình, dự án khác nhau đến nay toàn xã có hơn 300ha chè ở hầu hết các thôn, bản. Đây cũng là cây trồng đóng góp vào một phần thu nhập của người dân. Đặc biệt trong số diện tích chè hiện có, Bằng Phúc còn có nhiều gốc chè cổ thụ từ vài chục năm lên đến hàng trăm năm tuổi vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Chúng tôi được cán bộ nông lâm xã dẫn đến thăm đồi chè cổ thụ của bà Hoàng Thị Thiệp ở thôn Nà Bay. Đồi chè nằm thoai thoải dưới chân đồi với khoảng 15 gốc, trong đó nhiều cây cao quá đầu người thân to, sù sì, cứng cáp, nếu muốn hái phải trèo hoặc dùng thang. Theo bà Thiệp cho biết: "Từ khi về đây làm dâu, tôi đã thấy những cây chè to như vậy, nghe các cụ kể lại rằng đâu đó phải lên đến cả trăm năm tuổi, đã từng có nhiều người ở các tỉnh khác hỏi mua trả giá hơn chục triệu/cây nhưng gia đình nhất quyết không bán vì suy nghĩ rằng đó là tài sản vô giá do tổ tiên để lại" .
Được biết, những cây chè cổ thụ của bà con chủ yếu để tự nhiên, ít sử dụng phân bón hay hoá chất, hằng năm chỉ phát cỏ xung quanh gốc cho quang đãng, cứ như vậy dù cho thời tiết có mưa lớn hay dông bão thì cây vẫn cứng cáp, tốt tươi, cho thu hái đều đặn. Chính đặc điểm tự nhiên đó đã góp phần làm nên hương vị riêng biệt cho chè Shan tuyết Bằng Phúc. Những người thưởng thức quen chè Bằng Phúc tiết lộ thêm là chè ở đây khi rót ra ấm hoặc chén không bị các mảng ố vàng bám lâu trên thành chén như một số chè khác mà chỉ cần rửa qua là sẽ nhanh tan.
Hiện cả xã còn khoảng 120 gốc chè cổ thụ tập trung tại các thôn Nà Bay, Bản Chang, Phiêng Phung. Với tuổi đời của giống chè cổ thụ lên đến hàng trăm năm, đây được xem như giống gen quý đang được địa phương bảo tồn, gìn giữ.
Tìm đầu ra cho sản phẩm chè Bằng Phúc
Cách đây hàng chục năm, có thời điểm diện tích chè Shan tuyết Bằng Phúc lên đến 500ha, tuy nhiên hiện chỉ còn hơn 300ha. Nguyên do diện tích giảm là vì người dân chặt bỏ sang trồng cây lâm nghiệp, hoặc một số diện tích già cỗi, thoái hóa, sâu mục rồi chết.Trong hai năm gầy đây,do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản phẩm chè bán chậm, thị trường tiêu thụ khó khăn, giá thành cũng giảm nên người dân cũng không mặn mà chăm sóc, cải tạo. Bà Hoàng Thị Thiệp ở thôn Nà Bay cho rằng, mỗi năm bà bán chè khô giá thành lên đến 150.000 đồng/kg thì nay dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg. Gia đình bà có khoảng 6.000m2 chè, năm qua chỉ bán được hơn 10 triệu đồng.
Giá chè khô trong 2 năm qua giảm, tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. |
HTX Hồng Hà có sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2019. Anh Hoàng Văn Thiều- Giám đốc HTX cho biết: Năm qua, HTX chỉ bán được 1,2 tấn chè khô, trong khi có năm bán khoảng 2 tấn. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19, nhu cầu thị trường cũng ít hơn. HTX đang liên kết với các thành viên trồng 15ha chè, sản phẩm bán ra chủ yếu là chè xanh và hồng trà đóng gói trong bao bì đẹp mắt, giá thành so với giá chè cân cũng cao hơn. Việc tìm kiếm khách hàng vẫn là điều khó khăn nhất vì chè địa phương phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả. Do vậy thời gian tới HTX tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, tham gia các hoạt động triển lãm. Đồng thời chú trọng cải tạo nâng cao chất lượng, mẫu mã, nghiên cứu cho ra các sản phẩm ở nhiều phân khúc, trong đó có kế hoạch sản xuất thêm chè cổ thụ, bạch trà để đáp ứng thêm sự lựa chọn của khách hàng.
Đồng chí Triệu Hồng Kê- Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc cho hay: "Mấy năm nay diện tích chè địa phương tiêu thụ chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu của khách hàng giảm. Hiện chỉ có 2 đơn vị là HTX Hồng Hà và Công ty TNHH phát triển Nông lâm nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng ở xã Phương Viên thu mua và bao tiêu sản phẩm chè của bà con nhưng số lượng không đáng kể. Mặc dù đầu ra khó khăn song địa phương vẫn tích cực tuyên truyền người dân chú trọng chăm sóc, cải tạo, duy trì diện tích gắn với khai thác hợp lý để giữ gìn thương hiệu chè Shan tuyết Bằng Phúc cũng như đảm bảo nguồn thu nhập"./.
Thu Trang