Theo Ban tổ chức, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Khó khăn này một phần do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem. Các doanh nghiệp còn cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.
Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: “Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ góc độ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn”.
Nhằm phân tích làm rõ vấn đề trên, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6”- lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử Vietnamnet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đồng chủ trì.
Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận với các nội dung: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam; Xây dựng mô hình kinh tế báo chí đặc thù; Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số; Bài toán kinh tế báo chí truyền thông, những gợi mở và kết nối ý tưởng.
Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam; các mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới cũng như vai trò của hệ thống đào tạo báo chí trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng, sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam nói chung.
Hội thảo có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông. Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương toàn quốc.
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của rất nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đặc biệt là các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Liên minh châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, chuyên gia các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Galaxy, Le Bros… những người có sự quan tâm sâu sắc và sẽ mang tới Hội thảo nhiều ý kiến quý báu. Hội thảo được sự đồng hành của: Tập đoàn TH, Tập đoàn GELEX, Tập đoàn Viettel./.