BBK- Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu nội dung quan trọng về công tác cán bộ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kỳ.
Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì hoạt động giảng dạy và học tập (dạy và học) được xác định là khâu trọng tâm, quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả của toàn bộ quá trình. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, vấn đề mang tính then chốt là phải nâng cao được chất lượng dạy và học.
Trong những năm qua, thực tiễn hoạt động giảng dạy và học tập tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định, cụ thể:
Về chất lượng giảng dạy, trong một số phần học, việc gắn nội dung lý luận với vấn đề thực tiễn còn ít; phương pháp chuyển tải kiến thức còn mang tính áp đặt một chiều, thiếu linh hoạt, chưa sáng tạo, chậm đổi mới… dẫn đến không phát huy được tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng bài, phản ánh tình hình thực tiễn với nội dung lý luận để làm phong phú nội dung bài giảng ở học viên.
Về chất lượng học tập, trình độ học viên không đồng đều; phần lớn học viên tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu tích cực trong tham gia trao đổi, thảo luận và nghiên cứu bài học; chưa xác định đúng đắn động cơ học tập; một bộ phận không nhỏ học viên có nhận thức về chính trị và phương pháp luận không theo kịp yêu cầu thực tế dẫn tới tư duy, thái độ học tập và phương pháp học tập chưa khoa học.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ khâu quản lý, đánh giá có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp do thiếu công cụ hỗ trợ đánh giá đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học; phương thức tổ chức hoạt động dạy - học ở một số phần học chưa phát huy tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng bài của học viên và chưa gắn nội dung lý luận với tình hình thực tiễn để làm phong phú nội dung bài giảng.
Nhận thức rõ vấn đề nêu trên, trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn", đầu năm 2024, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy - học và Bộ tài liệu Phương thức tổ chức hoạt động giảng dạy và học tập gắn với nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là hai bộ tài liệu quan trọng phục vụ cho hoạt động đánh giá chất lượng dạy - học, đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học và hoạt động dạy - học ngày một được nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, cụ thể:
Một là, nội dung Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh bao gồm 04 khung tiêu chí đánh giá: Tiêu chí đánh giá chất lượng bài soạn giảng; đánh giá chất lượng giờ dạy; đánh giá chất lượng giờ học; đánh giá chất lượng nghiên cứu thực tế.
Việc sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh sẽ giúp cho lãnh đạo các đơn vị nắm được chất lượng của việc dạy - học một cách khách quan. Qua đó, điều chỉnh việc quản lý hoạt động dạy - học theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng các hoạt động này. Giúp các giảng viên đánh giá và tự đánh giá thực trạng chất lượng giảng dạy của bản thân và chất lượng học của học viên. Qua đó, điều chỉnh hoạt động dạy phù hợp hơn theo hướng hoàn thiện các phương pháp, vận dụng hiệu quả các kỹ năng để nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học.
Hai là, Bộ tài liệu Phương thức tổ chức hoạt động giảng dạy và học tập gắn với nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh gồm 03 chuyên đề: Kết hợp các phương pháp trong dạy - học tích cực tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Gắn kết lý luận với thực tiễn trong hoạt động dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Một số lưu ý đối với đội ngũ giảng viên; Kết hợp các phương thức quản lý hướng tới nâng cao chất lượng dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Việc vận dụng Bộ tài liệu Phương thức tổ chức hoạt động dạy - học tại Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ giúp cho lãnh đạo các đơn vị nắm được Phương thức tổ chức hoạt động dạy - học gắn với nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học để chỉ đạo giảng viên tập trung đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực của người học. Giúp cho giảng viên nắm được một số yêu cầu trong kết hợp các phương thức quản lý hướng tới nâng cao chất lượng dạy - học để thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng dạy - học tích cực để phát huy tính chủ động và tích cực của học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở.
Đặc biệt, phải luôn quan tâm gắn lý luận với thực tiễn trong hoạt động dạy - học để đưa những kiến thức trong giáo trình tới người học, từ đó chuyển hóa thành hành động thực tế của học viên ở cơ sở. Giúp học viên thấy được hiệu quả phương pháp học tập của mình, từ đó nỗ lực, cố gắng tu dưỡng và học tập nâng cao nhận thức về thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng, kỹ năng lãnh đạo, quản lý của bản thân, phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn của mỗi người.
Có thể nói, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy - học và Bộ tài liệu Phương thức tổ chức hoạt động dạy - học gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn và trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh là một hoạt động cần thiết, làm công cụ để thống nhất hoạt động đánh giá chất lượng dạy - học, tạo cơ sở khoa học để xây dựng, tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học tại các cơ sở này./.