Sống cạnh "kho" thuốc quý, Bắc Kạn làm gì để bảo tồn nguồn gen cây dược liệu?

BBK - Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loại cây không còn khả năng tái sinh, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng... Đặt ra nhiệm vụ bức thiết về bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu.
Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.

Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Quân Hà, huyện Bạch Thông.

Thực tế cho thấy hiện nay, nguồn cung dược liệu của tỉnh chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng, thành phần loài cây thuốc, cây dược liệu quý. Việc trồng, chế biến cây thuốc, cây dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát.

Ngoài ra, trên địa địa bàn tỉnh thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý vẫn đang là điều mà các địa phương có thế mạnh mong muốn được thực hiện.

Trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai một số nhiệm vụ khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu, như đề tài: Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu (Hoài Sơn và Địa Hoàng) theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn các dự án đã tiến hành điều tra một số cây dược liệu trong tự nhiên như ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá dính, hoài sơn, địa hoàng.

Cùng với đó, Sở phối hợp nghiên cứu xác định được vùng trồng, loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng tốt, thích hợp sản xuất hàng hóa và có thị trường tiêu thụ ổn định. Xây dựng được một số mô hình trồng cây dược liệu. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật từ nhân giống, trồng, thâm canh, sơ chế, bảo quản dược liệu.

Triển khai đề tài Nghiên cứu đặc điểm sinh học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn (nay là Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Kạn). Đề tài đã hoàn thiện kỹ thuật nhân giống cây kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô, kỹ thuật giá thể ra cây sau nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng cây kim tuyến trong nhà lưới, tại vườn nhà. Phối hợp phân tích các thành phần hóa học, xác định tên khoa học và tác dụng kháng khuẩn chống viêm của cây kim tuyến.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai đã góp phần bảo tồn, từng bước phát triển trồng, chế biến cây dược liệu theo chuỗi giá trị đồng thời nâng cao ý thức của người dân đối với việc khai thác các nguồn cây dược liệu ngoài tự nhiên.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đặng, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, để bảo tồn, phát triển cây dược liệu, thời gian tới cần phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Mặt khác, tỉnh Bắc Kạn cần phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng, bảo đảm an toàn chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt chế biến dược liệu và các sản phẩm dược liệu./.

Xem thêm