Hội đồng KH&CN tỉnh bàn giao Đề tài Ứng dụng KHCN trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn cho Hội đồng KH&CN thành phố Bắc Kạn. |
Đến nay, thành phố Bắc Kạn đã được bàn giao 05 đề tài, dự án KH&CN đưa vào áp dụng, bao gồm: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gia cố móng bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) trong xây dựng đường nông thôn trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau; Giải pháp xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức dùng nước quản lý công trình thủy lợi; Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng.
Từ việc ứng dụng các đề tài, dự án đó, trong năm 2022 thành phố đã có 10 nhà lưới công nghệ cao chuyên trồng các loại rau, củ, quả, hoa với diện tích 1ha; sản phẩm dưa lưới của HTX Dương Quang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được cấp giấy chứng nhận; 01 mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá lăng (mô hình đầu tiên ứng dụng công nghệ Aquaponics).
Hiện toàn thành phố có 110ha cây mơ vàng, 221ha rau, đậu các loại với diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng mạnh so với trước khi ứng dụng các đề tài, dự án. Từ năm 2018 đến nay, ngành chức năng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sử dụng mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho 43 sản phẩm để tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được 18 cơ quan, đơn vị áp dụng, duy trì thực hiện. Hiện có 05 tổ chức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu… Thành phố xây dựng được 04 khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu…
Triển khai, ứng dụng các đề tài KH&CN đã giúp tăng năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng. Trong ảnh: Mô hình sản xuất rau quả tại tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng. |
Năm 2023, thành phố Bắc Kạn có 06 đề tài, dự án được triển khai thực hiện. Đó là các dự án về những lĩnh vực như: Ứng dụng KHCN trong trồng rừng gỗ lớn, hỗn loài, đa mục đích nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm lâm nghiệp; ứng dụng KHCN trong bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm chuối tây Bắc Kạn; tuyển chọn, nhân giống cây trám đen có năng suất quả cao, chất lượng quả tốt; ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu linh chi, nấm vân chi từ nguyên liệu ngọn, cành cây keo; nghiên cứu tuyển chọn chủng vi sinh vật gốc và sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau hữu cơ; nghiên cứu thực trạng và định hướng phát triển cây quế. Nhìn chung các đề tài, dự án đang được triển khai đúng kế hoạch…
Qua đánh giá của UBND thành phố, hoạt động KH&CN trên địa bàn còn gặp những khó khăn như: Chưa bố trí được cán bộ chuyên trách về lĩnh vực KH&CN; việc ứng dụng, nhân rộng một số đề tài, dự án còn hạn chế; công tác đăng ký quyền sử dụng mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu mới chỉ thực hiện được đối với các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; công tác phối hợp triển khai thực hiện các đề tài, dự án trên địa bàn chưa chặt chẽ…
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới thành phố sẽ rà soát, kiện toàn bổ sung thành viên Hội đồng KH&CN. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nhân rộng các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn, áp dụng các cơ chế chính sách cho những đối tượng mạnh dạn đầu tư nhân rộng các đề tài, dự án có hiệu quả trên địa bàn. Chú trọng nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là các công nghệ tự động hóa, sản xuất sạch, công nghệ vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng…/.