Tự hào chặng đường 69 năm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Cách đây 69 năm, ngày 7/5/1955, Quân chủng Hải quân chính thức thành lập với tên gọi “Cục Phòng thủ bờ bể”. Từ lực lượng ban đầu có 141 cán bộ, chiến sĩ, đến nay, Quân chủng Hải quân đã phát triển mạnh mẽ với 5 lực lượng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh - Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ và Đặc công Hải quân. Đây là những lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Ngày 7/5/1955 chính thức trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đến cuối năm 1963, sau gần 9 năm xây dựng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã có các lực lượng tàu tuần tiễu ven biển, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải, trinh sát và một số tàu phục vụ khác như tàu dầu, tàu chở nước, tàu đo đạc biển, trục vớt… có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển; hệ thống cầu cảng, các đơn vị công binh công trình, lực lượng bảo đảm, phục vụ cùng với các cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng; hệ thống ra đa, đài trạm quan sát được bố trí dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Cửa Tùng. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, ngày 5/8/1964. (Ảnh tư liệu)
Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, ngày 5/8/1964. (Ảnh tư liệu)

Đặc biệt, chưa đầy 10 năm sau ngày thành lập, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập công ra quân đánh thắng trận đầu vào ngày 2 và 5/8/1964, đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, bắn rơi 1 máy bay; hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Phòng không và quân, dân các địa phương ven biển miền Bắc bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái.

Tiếp đó, với tinh thần dũng cảm, táo bạo, kịp thời, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trực tiếp tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 1/5/1975, một số tàu của các trung đoàn 171, 172, 125 cùng với lực lượng của Đoàn 126 đặc công hải quân phối hợp với lực lượng của Sư đoàn 3 làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo và đưa các chiến sĩ bị địch bắt giam cầm, tù đày ở Côn Đảo về đất liền. Trong thời gian từ ngày 6/5 đến giữa tháng 6/1975, lực lượng tàu của các trung đoàn 172, 125, đặc công của Đoàn 126 phối hợp với Đoàn hải quân Phú Quốc; giải phóng các đảo và quần đảo ở phía Tây Nam, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm; kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ được chủ quyền và các mục tiêu chiến lược, các hoạt động kinh tế biển; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

Được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Đặc biệt, từ năm 2010, thực hiện chủ trương tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Quân chủng Hải quân đẩy mạnh phát triển lực lượng, hình thành 5 vùng trải dọc chiều dài đất nước với 5 binh chủng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh - Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ và Đặc công Hải quân. Nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại được bổ sung, đưa vào khai thác hiệu quả, tạo đột phá về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đồng chí Trần Thanh Nghiêm, Phó Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải Quân kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Vùng 5 Hải quân. (Ảnh: Đức Tuấn)
Đồng chí Trần Thanh Nghiêm, Phó Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải Quân kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Vùng 5 Hải quân. (Ảnh: Đức Tuấn)

Bám sát các nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân chủ động tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xử lý, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tình hình trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Hải quân tiến lên hiện đại; thường xuyên duy trì tốt các hoạt động quản lý, nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng nhân dân trên các vùng biển, đảo; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, huy động nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”. Cũng trong chặng đường 69 năm đó, hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hải quân nhân dân Việt Nam hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 02 Huân chương Sao Vàng, 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 03 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất và 2 hạng Nhì), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 81 lượt tập thể, 46 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.

Bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật ở Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân. (Ảnh: Đặng Đồng)
Bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật ở Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân. (Ảnh: Đặng Đồng)

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới. Phát huy truyền thống 69 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, tập thể cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân đã và đang nỗ lực nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; chủ động nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối, chủ trương, đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm trên biển, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược; giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo và hoạt động đối ngoại quốc phòng với Hải quân các nước; tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới; luôn đi đầu trong giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; thực sự là “điểm tựa vững chắc” cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2024) là dịp để chúng ta cùng ôn lại truyền thống, lịch sử và những chiến công hào hùng của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Từ đó, tích cực góp sức vào quá trình xây dựng, phát triển Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sẵn sàng và chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

dangcongsan.vn

Xem thêm