4 trụ cột chính phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Kạn

Trong khuôn khổ Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 3 và ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức trong hai ngày 2, 3/11, một trong những chuyên đề quan trọng, được các học viên quan tâm là nội dung đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình truyền đạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình trình bày với lớp bồi dưỡng tại Hội trường tỉnh Bắc Kạn ngày 03/11/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình truyền đạt tại lớp bồi dưỡng tại Hội trường tỉnh Bắc Kạn ngày 03/11/2022.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 5,3%/năm (bình quân của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 8%, cả nước 5,8%). Năm 2011 tăng 4,04%. 9 tháng đầu năm 2022 tăng 5,8% (thấp thứ 2 trong 14 tỉnh thuộc vùng), trong khi cả nước tăng 8,8%. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành năm 2021 gần 14.000 tỉ đồng (xếp thứ 14/14 tỉnh trong vùng và xếp thứ 63/63 tỉnh so với cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng, tuy cao hơn một số tỉnh trong vùng, nhưng vẫn thuộc nhóm thấp.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh cơ bản chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Cụ thể, đến hết năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,81% (công nghiệp chiếm 6,88%); khu vực dịch vụ chiếm 52,07%; thuế sản phẩm chiếm 3,08%.

Trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư rất được tỉnh quan tâm, đầu tư ngoài ngân sách liên tục tăng qua các năm. Đến nay, cả tỉnh có hơn 170 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng; có trên 1.100 doanh nghiệp và hơn 310 HTX; đã có 155 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Bắc Kạn cần phấn đấu thực hiện là: Trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước; phát triển 4 ngành quan trọng: Du lịch nghỉ dưỡng thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt có thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển trong nhóm dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số.

Cùng với đó đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối quan trọng; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%; GRDP bình quân/người đạt trên 93 triệu đồng (nỗ lực để đạt >100 triệu đồng/người); huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt trên 105.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt người.

Về xã hội: Duy trì tỷ lệ trên 17 bác sĩ/1 vạn dân; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt trên 90%; số trường chuẩn quốc gia tăng thêm 135 trường; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Về môi trường: Duy trì tỷ lệ che phủ rừng khoảng 70%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 100%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 75%.

Đây là một chuyên đề cung cấp những thông tin, định hướng rất quan trọng, bổ ích cho lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh nói chung và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Trên cơ sở nội dung của chuyên đề này, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ tiếp tục rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2030 để quyết tâm tổ chức thực hiện góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và phát triển công nghiệp nói riêng.

Trong đó, tập trung tham mưu đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I từ nguồn vốn ngân sách cân đối tỉnh. Phối hợp với Nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến theo chủ trương định hướng của tỉnh. Tập trung phối hợp với các ngành, địa phương đưa các vị trí thuận lợi có thể làm khu công nghiệp vào Quy hoạch tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 diện đất khu công nghiệp tỉnh tăng trên 600ha so với hiện nay, tầm nhìn quy hoạch diện tích khu công nghiệp đến năm 2050 đạt trên 4.100ha.

Trong đó, quy hoạch 2 đến 3 khu có diện tích trên 1.000ha để thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước, FDI có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng theo hướng phát triển khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hoặc khu công nghiệp sinh thái theo định hướng chung của các nước phát triển và của Việt Nam trong thời gian tới… Qua đó tỉnh Bắc Kạn sẽ có cơ hội lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh hơn, thu ngân sách cao hơn và giải quyết được nhiều việc làm hơn./.

Hoàng Khởi

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn

Xem thêm