Bắc Kạn đẩy mạnh xuất khẩu lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những năm qua, việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xuất khẩu lao động đã giúp người dân trên tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số có việc làm, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, nâng cao thu nhập.
Nhờ đi xuất khẩu lao động, gia đình anh Sùng A Thàng, thôn Tà Han, xã Xuân Lạc đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Nhờ đi xuất khẩu lao động, gia đình anh Sùng A Thàng, thôn Tà Han, xã Xuân Lạc đã xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bắc Kạn xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Đồng thời xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng pháp luật.

Với sự vào cuộc tích cực của sở, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhiều gia đình tham gia XKLĐ không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả.

Chị Giàng Thị Đâng, thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) cho hay: Thời gian trước chồng tôi là anh Sùng A Thàng đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, hết hợp đồng anh về nước sau đó lại đăng ký đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan. Sau một thời gian đi XKLĐ, chồng tôi đã tích cóp được một số tiền gửi về cho gia đình để đầu tư sửa sang lại nhà cửa khang trang, mua sắm một số vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Anh Ma A Mù, Trưởng thôn Tà Han cho biết: Thôn Tà Han có 110 hộ gia đình, người dân chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi, trồng rừng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để nâng cao đời sống của gia đình, khoảng 50% người dân trong thôn đang ở độ tuổi lao động đã đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Hầu hết số người đi XKLĐ thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa và khi hết hợp đồng đều có một số tiền làm vốn để làm ăn.

Năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Chợ Đồn giải ngân 343 triệu đồng để hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS&MN đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2023 huyện giải ngân gần 1,5 tỷ. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 02 đợt tư vấn cho 450 người và thành lập tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ đối với người đi lao động ở nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn huyện có 217 lao động được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Rumani.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Chợ Đồn cho biết: Để công tác xuất khẩu lao động được thực hiện có hiệu quả, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ năng lực, cam kết cung cấp đủ hồ sơ liên quan để người lao động được hưởng chế độ theo quy định. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn tại các xã để người lao động được biết và đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Thực hiện Tiểu dự án 3 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào đồng bào DTTS&MN, 6 tháng đầu năm nay các huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền và 06 lớp đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 04 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác giáo dục nghề nghiệp cho 350 đại biểu tại huyện Na Rì, Pác Nặm; xây dựng bảng tuyên truyền về hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại 222 thôn, tổ trên địa bàn huyện Na Rì./.

Xem thêm