Bắc Kạn với công tác phát triển y - dược học cổ truyền

Bài 1: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Bài 1: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Là địa phương có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng, cộng thêm có một số lượng lớn những bài thuốc cổ truyền có trong dân gian, tồn tại từ lâu đời nhưng y - dược học cổ truyền ở Bắc Kạn vẫn chưa thực sự được chú trọng phát triển.

Tài nguyên dược liệu phong phú

Theo nhiều nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan chuyên môn, với lợi thế là địa phương có điều kiện khí hậu mát mẻ, độ ẩm không khí cao nên Bắc Kạn được coi là một trong những trung tâm bảo tồn nguồn gen thực vật quý của vùng Đông Bắc bộ. Kết quả khảo sát của Viện Dược liệu Việt Nam cho thấy, Bắc Kạn có trên 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Ba kích, đẳng sâm, hà thủ ô, cát sâm, bình vôi, thổ phục linh, diệp hạ châu, kê huyết đằng… Nhiều loại cây thuộc danh mục đỏ cần được bảo vệ.

Nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú
Nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú.

Cây dược liệu phân bố ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những huyện có nhiều diện tích rừng tự nhiên. Điển hình như cây hoàng liên ô rô có nhiều ở huyện Chợ Đồn; cây ba kích, hà thủ ô tập trung nhiều ở các huyện Ba Bể, Pác Nặm; lá khôi có nhiều ở Chợ Đồn, Chợ Mới… Được biết, hiện nay việc sử dụng cây dược liệu trong chăm sóc sức khoẻ đã được nhiều doanh nghiệp, công ty sản xuất dược phẩm đầu tư sản xuất và bắt đầu có nhu cầu tiêu thụ lớn. Do vậy, các loại cây dược liệu có quý hiếm ở tỉnh Bắc Kạn như: Ba kích, hà thủ ô, bình vôi, bảy lá một hoa, cát sâm… sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn nếu biết tận dụng, phát huy thế mạnh và có chính sách đầu tư, hỗ trợ hợp lý để phát triển những loại cây dược liệu có sẵn ở địa phương.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng khai thác tràn lan các loại cây dược liệu để bán ra ngoài tỉnh diễn ra phổ biến, dẫn tới nguồn tài nguyên này ngày càng bị cạn kiệt, nhiều loài không còn khả năng phục hồi, tái sinh. Nhiều loài cây cần phải có biện pháp cấp thiết bảo vệ, tránh nguy cơ bị tận diệt. Mặc dù vậy, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu mới được thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, tại hộ gia đình của một số lương y gia truyền hoặc ở các trạm y tế xã, chưa thực sự được các cấp, ngành, địa phương quan tâm; việc phát triển cây dược liệu để làm kinh tế cũng chưa được khuyến khích, đầu tư.

Y - dược học cổ truyền chưa phát triển

Nếu như việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở Bắc Kạn, đặc biệt là bảo tồn, phát triển các loại cây thuộc hàng quý hiếm chưa được chú trọng thực hiện thì y, dược học cổ truyền ở trong tỉnh cũng chưa phát triển. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa thành lập được bệnh viện y - dược học cổ truyền mà chủ yếu là các khoa, tổ y - dược học cổ truyền trực thuộc các cơ sở y tế. Bên cạnh Khoa Y học cổ truyền, trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, thì tại trung tâm y tế các huyện, thị xã cũng mới chỉ thành lập được các tổ y – dược học cổ truyền nằm trong khối Nội – Nhi. Ngoài ra, 2 phòng khám đa khoa khu vực và khoảng 50% trạm y tế xã đã có kết hợp khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có gần 10 phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân của các lang y, 01 phòng khám y học cổ truyền của Hội Đông y tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn tại các cơ sở y tế, tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền có tăng theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là ở tuyến xã, huyện. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc đầu tư kinh phí cho lĩnh vực y học cổ truyền còn thấp; số lượng cán bộ y tế và số giường bệnh của lĩnh vực y – dược học cổ truyền còn ít; chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh y học cổ truyền ở một số cơ sở y tế chưa cao; việc sử dụng thuốc y – dược học cổ truyền lại chủ yếu là thuốc đông dược được nhập từ các nơi khác, mà chưa có cơ sở chế biến thuốc y học cổ truyền tại tỉnh.

Ở nhiều địa phương hay tại các cơ sở y tế, y học cổ truyền cũng chưa thực sự được quan tâm, đầu tư phát triển. Điều đó dẫn đến hệ quả là khi có nhu cầu khám, chữa bệnh về y học cổ truyền thì người bệnh lại tìm đến các phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân. Ngay như phòng khám y học cổ truyền của Hội Đông y tỉnh – đơn vị đã triển khai khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho người dân thì trung bình mỗi tháng cũng chỉ có khoảng 150 bệnh nhân đến khám, điều trị. Còn ở các cơ sở y tế khác thì lượt bệnh nhân đến khám, điều trị y học cổ truyền cũng chỉ đạt trên, dưới 100 người/tháng. Tất cả những vấn đề này đang là trở ngại cho sự phát triển của lĩnh vực y – dược học cổ truyền ở Bắc Kạn.

Thiết nghĩ, để tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên dược liệu, cùng những bài thuốc dân gian của đồng bào các dân tộc, các cấp, ngành trong tỉnh cần cùng vào cuộc trong việc phát triển lĩnh vực y – dược học cổ truyền của Bắc Kạn để cho tương xứng với tiềm năng, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân các dân tộc trên địa bàn./.

Trần Hạnh

Xem thêm