Cần tăng cường tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng

Trong thời gian qua, tỷ lệ các vụ vi phạm phát, phá rừng có chiều hướng gia tăng, vi phạm quy định đóng cửa rừng của Chính phủ. Trước thực trạng đó, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Trong các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì công tác tuyên truyền được lực lượng Kiểm lâm luôn chú trọng thực hiện. Ngay từ những ngày đầu năm, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Lâm nghiệp, các văn bản mới về quản lý, bảo vệ rừng… Chỉ trong 3 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm đã tổ chức 47 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng với 646 lượt người dân các thôn, bản, cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bắc Kạn thực hiện các chuyên mục, tin, bài về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đăng tải các văn bản chuyên ngành, các hoạt động của lực lượng Kiểm lâm trên trang website của Chi cục Kiểm lâm.

Hiện trường một vụ xâm hại rừng trái phép tại huyện Bạch Thông.
Hiện trường một vụ xâm hại rừng trái phép tại huyện Bạch Thông.

Mặc dù vậy, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn có chiều hướng gia tăng. Năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 204 vụ vi phạm phát, phá rừng trái phép (tăng 52 vụ so với cùng kỳ) tổng diện tích thiệt hại 68,863ha (tăng 18,697ha so với năm 2020). Quý I/2022, phát hiện và lập biên bản 131 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thu giữ hơn 211m3 gỗ các loại (trong đó gỗ quý hiếm 1,9m3); tổng các khoản thu nộp ngân sách nhà nước trên 446 triệu đồng…

Nguyên nhân được đánh giá là người dân sống gần rừng còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên cố ý xâm hại rừng để khai thác lâm sản, lấy đất sản xuất. Nhu cầu sử dụng và lợi nhuận thu được từ việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép rất cao, đặc biệt là đối với các loại lâm sản quý hiếm, mặt khác đại bộ phận người dân sinh sống tại các khu vực nhiều tài nguyên lâm sản quý hiếm còn khó khăn trong đời sống, kinh tế. Diện tích rừng thuộc đối tượng thực hiện giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên là rất lớn nhưng kinh phí thực hiện chưa được bố trí đầy đủ. Cùng với việc toàn tỉnh đang thực hiện nghiêm quy định đóng cửa rừng của Chính phủ, trong khi đó, người dân giữ rừng có thu nhập thấp; nhu cầu đất để trồng rừng tăng cao dẫn tới việc phát, phá rừng tự nhiên có chiều hướng gia tăng.

Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương, đơn vị chưa đi kèm với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, chưa xuống địa bàn nắm thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ của nhân viên dẫn đến hiệu quả giải quyết chưa cao; việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa Hạt Kiểm lâm và UBND xã, phường ở một số địa phương chưa được thường xuyên; một số chính quyền xã chưa có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng...

Có thể thấy, lực lượng Kiểm lâm đã có nhiều cố gắng nỗ lực tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý kịp thời nhưng số vụ vi phạm giảm chưa đáng kể. Không những thế, số vụ phát, phá rừng trái phép còn gia tăng gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Thực tế đó cho thấy, hiệu quả công tác tuyên truyền ở một số địa phương, cơ sở chưa đạt yêu cầu; nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa vào cuộc còn phó mặc cho lực lượng kiểm lâm; có vụ phát phá rừng để trồng rừng và làm nương rẫy nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới đạt hiệu quả, ngoài chủ động tuần tra ngăn chặn các hành vi phát, phá rừng trái phép; giám sát chặt chẽ việc sử dụng rừng thì cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác lâm nghiệp gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho sát với thực tiễn cuộc sống, kịp thời đối với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cần có những cách thức tuyên truyền phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc nhằm khuyến khích, thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chỉ thị 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Tỉnh ủy đã nêu: “…Chủ rừng chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra việc chặt phá rừng. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã chịu trách nhiệm khi để người dân tham gia chặt phá, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Cơ quan kiểm lâm chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện, xử lý tình trạng chặt phát rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Xử lý nghiêm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng chặt phá, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; tùy theo mức độ vi phạm sẽ xem xét, xử lý kỷ luật bằng các hình thức như cách chức, giáng chức, điều chuyển công tác đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ”… quy định trên cũng nhằm phòng, chống phát, phá rừng trái phép theo chỉ đạo của Chính phủ./.

Phan Quý

Xem thêm