Cô giáo tận tâm với nghề, tận tụy vì học sinh

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chúng tôi đến gặp cô giáo Nông Thị Thu Hường đúng lúc cô đang tất bật mang quần áo, giày dép cũ cho học sinh nghèo thử. Sau một hồi trò chuyện, cô chia sẻ cởi mở, chân thành về bản thân, về nghề cao quý mà mình đang dành trọn tâm huyết...

“Với em, cô Hường là người mẹ thứ hai của em. Em đã tưởng mình sẽ không bao giờ còn được ngồi trên ghế nhà trường nữa sau hai năm thôi học. Nhưng nhờ cô Hường động viên, tạo điều kiện cho em có chỗ ăn, chỗ ở ngay chính tại nhà cô nên em mới được đi học trở lại”. Đó là lời tâm sự trong nghẹn ngào của em Triệu Thị Thương khi nói về cô giáo Nông Thị Thu Hường- Giáo viên Trường THCS và THPT Nà Phặc (Ngân Sơn).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống giáo dục, mẹ là giáo viên tiểu học tại xã Hương Nê (nay là xã Hiệp Lực), huyện Ngân Sơn. Từ nhỏ Nông Thị Thu Hường đã là cô bé ham học hỏi, sống có trách nhiệm và mơ ước trở thành cô giáo giống mẹ nhưng người ảnh hưởng đến cô nhiều nhất là bố. Bố cô là người sống và làm việc rất khoa học, luôn chăm lo cho cuộc sống gia đình. Ông từng học Trung cấp Thủy lợi và làm việc tại Ty Thủy lợi Bắc Thái nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên ông xin thôi việc về quê sinh sống.

Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc khoa Sinh Hóa, cô về Trường THCS và THPT Nà Phặc công tác. Nhớ lại ngày đầu đi dạy nhiều bỡ ngỡ, lại được trở về chính ngôi trường mình đã học tập, cô vẫn vô cùng xúc động: “Hồi mới về đây dạy, tôi lo lắm. Nếu là ở ngôi trường khác có lẽ bớt lo hơn. Nhưng với ngôi trường mà các thầy cô trước đây dạy mình, nay lại là đồng nghiệp thì cảm giác sợ làm sai, làm chưa tốt sẽ làm các thầy cô thất vọng nên tôi luôn phải cố gắng. Nhưng tôi cũng cảm thấy may mắn vì luôn được các thầy cô ân cần chỉ bảo, giúp đỡ, cảm giác vẫn như hồi vẫn còn là học sinh”.

Ở vị trí nào trong công việc, cô giáo Hường cũng luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô luôn tạo bầu không khí làm việc thoải mái nên tinh thần tự giác, đoàn kết ở các giáo viên trong trường rất cao. “Cô Hường luôn tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, làm việc với cô rất tự tin và luôn hiệu quả", đó là chia sẻ của nhiều giáo viên trong trường.

Trong đại dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, cô Hường luôn nỗ lực cùng nhà trường đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi đến lớp. Cô đến sớm cùng các giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh, hướng dẫn sát khuẩn tay, vệ sinh cá nhân, phát khẩu trang cho học sinh trước khi vào lớp… Khi có học sinh mắc Covid-19, cô nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với phụ huynh để động viên các em an tâm chữa bệnh; khi cả trường phải nghỉ và dạy học online, những học sinh không có thiết bị học tập, cô chỉ đạo các giáo viên gửi bài đến từng học sinh qua bản in và nhờ những người dân trong thôn chuyển đến tận tay các em, hướng dẫn học sinh nhà ở gần nhau, thường xuyên tiếp xúc có thể học chung một thiết bị.

Cô giáo Nông Thị Thu Hường tâm sự, nghề giáo không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn phải chú trọng dạy kỹ năng sống để các em có thể ứng phó với nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Quan niệm "hết lòng vì học sinh thân yêu”, cô luôn quan tâm và chia sẻ với học sinh, động viên các em vượt qua mọi khó khăn để học tập tốt. Cô luôn cố gắng tìm nguồn hỗ trợ để các em có điều kiện học tập, nhất là học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường. Hằng năm cô luôn đặt ra mục tiêu huy động nguồn lực để mua được 02 chiếc xe đạp trao cho các em có tinh thần học tốt, nhà xa trường, khó khăn về phương tiện đi lại.

Cô xúc động khi nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ về trường hợp em Triệu Thị Thương. Thương là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học giữa chừng từ năm lớp 7 để theo mẹ đi làm thuê. Hai năm vất vả kiếm sống, Thương hiểu hơn ai hết cái thiệt thòi khi không được đi học. Thương càng khao khát được trở lại trường học hơn. Biết được nguyện vọng đó, cô Hường đã đến tận nhà để xin phép gia đình cho em được đi học. Đến nhà, hình ảnh làm cô không thể quên, đó là ngôi nhà xập xệ, cũ nát với người bố cả ngày say rượu, mắng chửi vợ con cùng đứa em nhỏ nhem nhuốc chơi ngoài hiên. Cô đã không ngần ngại đề nghị với mẹ Thương cho em về ở nhà cô, cô sẽ cho em tiếp tục đi học trở lại. Mẹ Thương vui mừng khôn xiết khi con gái mình lại có thể tiếp tục đến trường. Từ khi về ở với cô, hằng ngày Thương đi học, về nhà phụ giúp cô làm cơm, tối lại chăm chỉ học bài. Cuối tuần em lại về với gia đình để phụ giúp bố mẹ việc nhà. Cuộc sống cứ thế trôi qua, Thương gọi cô là mẹ. Cho đến giờ, Thương đã trưởng thành và có thể tự kiếm tiền, lo cho cuộc sống gia đình và bản thân bằng chính sức lao động của mình. Nhưng chưa khi nào em quên ơn người mẹ thứ hai của mình.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, từ một giáo viên mới ra trường cho đến khi kiêm nhiệm các vị trí khác nhau như Tổ trưởng chuyên môn, Tổng Phụ trách đội, Phó Bí thư Chi bộ và đến tháng 11/2010 cô được bổ nhiệm chức Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nà Phặc, cô giáo Nông Thị Thu Hường đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành như: Bằng khen của Tỉnh ủy vì thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 05 năm liền”; nhiều năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo do có thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…

Với vai trò người đứng đầu khối THCS, cô không chỉ hoàn thành tốt vai trò của người quản lý mà trong công tác giảng dạy cô luôn tham gia đầy đủ, nhiệt tình các đợt tập huấn của Bộ, của Sở Giáo dục và Đào tạo, không ngừng trau dồi chuyên môn để có những tiết học bổ ích và hứng thú cho học sinh.

“Từ những em học sinh, bản thân tôi cũng học được nhiều điều thú vị trong cuộc sống, và cũng từ học sinh mà tôi luôn tự nhủ phải cố gắng điều chỉnh công việc ngày càng hợp lý hơn”, cô giáo Nông Thị Thu Hường tâm sự. Với suy nghĩ như vậy, cô đã góp phần không nhỏ vào thành công của nhà trường, nhất là với khối THCS cô trực tiếp quản lý. Chất lượng giáo dục "hai mặt" tăng lên qua các năm, tỷ lệ học sinh giỏi vượt chỉ tiêu đề ra.

Với đặc thù là trường vùng cao, nên việc học sinh đi học đều, đúng giờ là một việc làm đòi hỏi phải có sự cố gắng từ cả hai phía nhà trường và học sinh. Nhất là sau những kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Những lúc như vậy cô không ngần ngại cùng giáo viên chủ nhiệm đến nhà các em để tìm hiểu hoàn cảnh, động viên, giúp đỡ kịp thời. Với mục đích tất cả vì học sinh thân yêu nên thành công của bao lứa học trò sau khi ra trường là minh chứng cho một người thầy tâm huyết với nghề và tận tâm với trò như cô. Cô giãi bày: “Tự hào vô cùng khi nhìn thấy các em trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng tôi cảm thấy mình cần cố gắng làm nhiều điều hơn nữa để học sinh nghèo, học sinh vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn nữa, theo kịp sự phát triển chung của các trường trong tỉnh cũng như trên cả nước".

“Hoạt động giáo dục của Trường THCS và THPT Nà Phặc ngày một khởi sắc, có đóng góp và tinh thần làm việc đầy tâm huyết với nghề của cô giáo Nông Thị Thu Hường. Tinh thần làm việc đó đã lan toả đến tôi và các đồng nghiệp đang công tác ở trường”, cô giáo Ma Thị Dung, giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THCS và THPT Nà Phặc chia sẻ./.

Xem thêm