Đoàn thanh niên với công tác trồng rừng

Nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ xung kích đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội địa phương và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Năm 2011 Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm nhận và giao cho đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng sản xuất.
bghn
Đoàn viên thanh niên huyện Bạch Thông cuốc hố trồng rừng tại Phương Linh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2011-2015 đã đưa ra chỉ tiêu toàn tỉnh phấn đấu trồng 12.000 ha rừng/năm và coi kinh tế rừng là trọng điểm giúp người nông dân thoát nghèo bền vững. Với ý nghĩa đó, Tỉnh đoàn đã đảm nhận và giao cho thanh niên trồng hơn 1000 ha rừng sản xuất trên cơ sở khuyến khích các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đoàn viên thanh niên tận dụng đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng. Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị đoàn đăng ký trồng rừng sản xuất năm 2011 với Ban quản lý dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của các huyện, thị xã.
Theo đó các huyện, thị đoàn chỉ đạo BCH Đoàn xã, phường tiến hành rà soát các hộ gia đình, cá nhân đoàn viên thanh niên có nhu cầu, khả năng và điều kiện trồng rừng sản xuất rồi đăng ký số lượng với Đoàn Thanh niên. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở Đoàn làm nòng cốt trong việc giúp gia đình chính sách, gia đình có đất trồng rừng nhưng không có khả năng lao động, thiếu nhân lực để đảm nhận trồng rừng.

Căn cứ vào chỉ tiêu của tỉnh giao cho các huyện, thị, Tỉnh đoàn sẽ phân bổ kế hoạch trồng rừng cho các huyện đoàn, cụ thể: huyện Đoàn Chợ Mới diện tích được giao là 175 ha, Pác Nặm là 540 ha, Ngân Sơn là 22 ha,  Bạch Thông là 190 ha, Na Rì là 300 ha... đến thời điểm này các cơ sở Đoàn đã đăng ký đảm nhận trồng gần 1.500 ha rừng sản xuất.
Vừa qua, nhân tháng cao điểm tổ chức các hoạt động tình nguyện, các đơn vị cũng đã triển khai các hoạt động trong đó có trồng rừng. Điển hình là huyện Bạch Thông đã phối hợp với lực lượng thanh niên của tỉnh tổ chức cuốc hố trồng rừng tại xã Phương Linh, giúp 11 hộ gia đình cuốc hố với 3,8 ha và tổ chức phát đường băng cản lửa được 7,4 ha. Đây là hoạt động mở đầu cho Năm Thanh niên và cũng là mở đầu cho phong trào trồng rừng của Đoàn thanh niên năm 2011. Được biết năm nay huyện Bạch Thông có 5 xã thực hiện trồng rừng theo Quyết định 147 là Phương Linh, Mỹ Thanh, Quang Thuận, Đôn Phong và Dương Phong. Trong đó diện tích trồng rừng do Đoàn Thanh niên đảm nhận tại Mỹ Thanh là 66,42 ha với 68 hộ tham gia, tại Quang Thuận là 11 hộ với 60 ha. Đoàn Thanh niên sẽ tham gia hỗ trợ các gia đình về nhân lực, xử lý thực bì, cuốc hố, trồng cây và chăm sóc.
Hiện nay Tỉnh đoàn đã giao cho huyện Đoàn Bạch Thông phụ trách hoạt động trồng rừng tại xã Phương Linh, coi đây là mô hình điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng ra vào những năm tiếp theo. Đồng chí Phùng Đức Hậu, Bí thư huyện Đoàn Bạch Thông cho biết: Trong tháng 3 ngoài việc đảm nhận trồng rừng theo Quyết định 147, Đoàn Thanh niên còn tình nguyện tham gia trồng 1 ha rừng cho một hộ gia đình chính sách tại xã Cẩm Giàng, tổ chức đoàn sẽ chủ động mua cây giống và cuốc hố trồng cây. Hoạt động trồng rừng của thanh niên được coi là điểm nhấn cần ưu tiên và tập trung cho năm 2011.

Cho đến thời điểm này hoạt động chuẩn bị cho trồng rừng do Đoàn Thanh niên đảm nhận đang diễn ra khá rầm rộ tại khắp các cơ sở Đoàn. Đến nay về cơ bản các cơ sở Đoàn đã tổ chức phát xong thực bì và đang chuyển sang giai đoạn cuốc hố, dự kiến trong tháng 6 sẽ đồng loạt tiến hành trồng rừng.

Việc tổ chức cho thanh niên đảm nhận trồng rừng không những phát huy được vai trò xung kích tham gia phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho chính những đoàn viên thanh niên ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên hiện nay việc tham gia đảm nhận trồng rừng của thanh niên còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Được biết cơ chế chính sách của trồng rừng theo Quyết định 147 là hỗ trợ 2 triệu đồng/ha và chủ yếu là cấp cho cây giống và được cấp trực tiếp về cho các lâm trường nên tổ chức Đoàn thanh niên không chủ động được về cây giống.
Qua thực tế tìm hiểu nhiều cơ sở Đoàn đều có chung một nguyện vọng là muốn được các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn để cho Đoàn Thanh niên trực tiếp sản xuất cây giống và cấp tiền về cho các cơ sở Đoàn để chủ động thực  hiện với sự giúp đỡ từ phía cơ quan chuyên môn về khoa học kỹ thuật.
Đồng chí Đồng Văn Lưu, Bí thư Tỉnh đoàn cho  biết: Trên thực tế nếu để cho Đoàn Thanh niên trực tiếp tham gia sản xuất cây giống sẽ có những ưu điểm đó là: Thanh niên rất năng động, sáng tạo dám ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn từ đó góp phần giảm chi phí công vận chuyển, chất lượng cây giống cũng tốt hơn do không phải vận chuyển đi xa. Điều quan trọng ở đây là giúp thay đổi nhận thức cho đoàn viên thanh niên đó là phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Phấn đấu thời gian tới tổ chức Đoàn Thanh niên không những chỉ  đảm nhận tốt việc trồng rừng mà còn có thể trực tiếp sản xuất cây giống ngay tại địa phương.

Vì vậy các cơ sở Đoàn mong muốn được các cấp, ngành quan tâm giao thí điểm cho mỗi xã một điểm để sản xuất cây giống với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông khuyến lâm từ đó góp phần giảm tải sức ép về giống cho các lâm trường, phấn đấu trở thành những điểm sản xuất cây giống tốt của tỉnh đồng thời tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên. Hiện nay tổ chức Đoàn Thanh niên đã có hai vườn ươm tại xã Nghiên Loan (Pác Nặm) với 6 vận cây giống thu hút 4 lao động là đoàn viên và tại xã Bộc Bố với 8,5 vạn cây giống thu hút 6 lao động, đây sẽ trở thành điểm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư huyện Đoàn Pác Nặm cho biết: Mô hình vườn ươm do Đoàn Thanh niên hai xã trên đứng ra đảm nhận làm thí điểm, kinh phí đều do các đoàn viên cùng làm đóng góp. Về phía huyện Đoàn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của huyện trực tiếp hưỡng dẫn kỹ thuật từ việc đóng bầu đến chăm sóc cây con ngoài ra các đoàn viên tự nghiên cứu tìm tòi thêm qua tài liệu. Qua kiểm tra cho thấy vườn ươm phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, đặc biệt là vườn ươm tại xã Bộc Bố phát triển rất tốt.

Từ thực tế trên cho thấy nếu như có cơ chế chính sách cho đoàn viên thanh niên làm thì tổ chức đoàn hoàn toàn có thể trực tiếp sản xuất được cây giống ngay tại địa phương góp phần thay đổi phương thức, thói quen sản xuất của đoàn viên thanh niên ở khu vực nông thôn.

Ngoài việc mong muốn được tham gia sản xuất cây giống tổ chức Đoàn Thanh niên còn muốn được tạo điều kiện tham gia đảm nhận trồng rừng tại những khu đất rừng mà chưa được giao khoán để trồng và khai thác. Hoặc được tham gia trồng rừng cho  những gia đình chính sách, thương binh, Liệt sỹ có đất rừng  nhưng lại không có nhân lực để tham gia trồng. Nếu được như vậy thì số lượng rừng trồng sẽ được tăng lên đáng kể, đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng mà tỉnh đã đề ra.

Có thể nói để Đoàn Thanh niên tham gia đảm nhận trồng rừng không những tạo công ăn việc làm cho đoàn viên mà còn phát huy được vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó sẽ đoàn kết tập hợp được đông đảo thanh niên tham gia xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh và trở thành lực lượng đi đầu trong  mọi hoạt động./.
H.T

Xem thêm