Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại Pác Nặm

Huyện Pác Nặm là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, chất lượng cuộc sống và điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái đang trở thành gánh nặng đối với bà con vùng cao nơi đây.

Tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch tại thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn (Pác Nặm)
Tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch tại thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn (Pác Nặm).

Qua khảo sát cho thấy, trong 03 năm trở lại đây huyện Pác Nặm có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao (năm 2018 chiếm 20,7%; năm 2019 chiếm 21%; năm 2020 chiếm 18,2%); số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tuy có giảm qua các năm nhưng không đáng kể. Trong đó, Nhạn Môn và Cổ Linh là hai xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Ông Nông Văn Đông- Phó Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cho biết: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại huyện Pác Nặm tăng cao, tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông. Nguyên nhân chính là do người dân muốn sinh nhiều con để có nguồn lao động. Bên cạnh đó, bà con theo đạo tại các xã chiếm tỷ lệ cao. Đối với những trường hợp theo đạo, nếu phụ nữ mang thai thì không được phép phá (bỏ) thai… Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ tại cơ sở.

Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm tình trạng sinh con thứ ba trở lên như: Lồng ghép tuyên truyền chế độ, chính sách về dân số đến người dân thông qua các hội nghị, hội thảo. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tại các thôn, bản thực hiện đúng chính sách dân số - KHHGĐ, không sinh nhiều con, sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Định kỳ tổ chức các đợt, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình tại trạm y tế; phân phối, sử dụng phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến người dân...

Tuy nhiên, công tác dân số tại huyện Pác Nặm còn nhiều hạn chế như: Hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số ở một số địa phương, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc theo đạo. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân số, kinh phí chi cho các hoạt động truyền thông thấp. Đội ngũ làm công tác dân số tại cơ sở thường xuyên có sự biến động, nhất là đội ngũ y tế thôn, bản...

Năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tập trung tuyên truyền, vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã vùng khó khăn; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông cho viên chức trạm y tế, nhân viên y tế thôn, bản; hoàn thiện bổ sung chính sách dân số - KHHGĐ vào quy ước, hương ước của thôn, bản; cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc men, vật liệu tiêu hao, các phương tiện tránh thai, đảm bảo nhu cầu sử dụng, thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai mô hình điểm Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”...

Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cần có sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp./.

Nông Thị Nhung

(Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh)

Xem thêm