Học "cái chữ" trên núi Phia Khao

                                                                                                   Ghi chép của Bích Phượng

                                                                                                   Ghi chép của Bích Phượng

Khu dân cư Phia Khao, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn gồm 10 gia đình đều là dân tộc Mông. Tuy điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nhưng các em học sinh nơi đây vẫn ngày ngày đến trường để học "cái chữ" với niềm tin vào một tương lai tươi sáng.


Ý định lên Phia Khao được hình thành khi chúng tôi vô tình gặp anh La Văn Tiến – một phụ huynh xuống thăm con tại Trường THCS Lãng Ngâm. Chỉ bộ quần áo lấm lem và những vết xước trên tay, anh cười hiền cho biết: Tôi từ trên Phia Khao xuống đây, hôm nay trời mưa đường đi khó, trơn quá nên bị ngã xe mấy lần nhưng vẫn cố đi. Tôi có con đang học ở đây, hàng tuần phải xuống với nó 2 - 3 lần, xem tình hình học tập như thế nào, động viên nó cố gắng chăm chỉ mà học, tiện mang xuống cho ít rau nữa. Chỗ tôi có 10 hộ đều là dân tộc Mông cùng sinh sống, trẻ con trên đó không có ai bỏ học đâu, đến tuổi thì cho đi học hết, bây giờ 3 tuổi đã đưa đi mẫu giáo rồi.

Theo lời giới thiệu của anh, cùng sự cảm phục tinh thần hiếu học của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi đã tìm đến đỉnh Phia Khao. Vượt qua con đường đất, đá với vực thẳm và vách núi, chúng tôi mới lên được đến phân trường Khuổi Luông (xã Lãng Ngâm), theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi phải gửi xe máy lại và tiếp tục đi bộ lên Phia Khao. Đang lúng túng thì thật may mắn gặp cô giáo Nguyễn Thị Dũng – một cô giáo mầm non lâu năm ở đây, được cô dẫn đường vào tận Phia Khao.

Đường lên đỉnh Phia Khao
Đường lên đỉnh Phia Khao

Theo cô Dũng cho biết : Đường khó đi như thế này nhưng các em học sinh  từ mẫu giáo đến cấp 1 trên đây ngày ngày vẫn sáng đi, chiều về để học chữ. Học sinh ở đây ngoan lắm, đi học đều, không vắng buổi nào trừ những hôm mưa to, không thể đi được hoặc bị ốm thì bố mẹ cũng đều xin phép đầy đủ. Có nhà cả mấy anh chị em đều đi học, những chỗ đường khó đi thì dìu nhau qua, có khi tiểu học lại cõng mẫu giáo 3 tuổi đi... Đường xa lại khó đi nhưng các em luôn đến lớp rất đúng giờ.

Thật đáng cảm phục tinh thần hiếu học của đồng bào nơi đây. Từ những năm tháng còn muôn vàn khó khăn, chưa có đường đi thì người Mông ở Phia Khao đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Khi chưa có phân trường ở thôn Khuổi Luông, có người đã đi bộ xuống tận thôn Nà Lạn để học, sáng nắm cơm ngô đi, tối lại về. Đường đi quá xa (hơn 6 km đường rừng dốc núi), có hôm trời tối nhưng con chưa về bố mẹ phải đốt đuốc, soi đèn đi đón con...


Khu dân cư ở Phia Khao hiện nay có 14 học sinh theo học tại phân trường Khuổi Luông, gồm 06 bé mẫu giáo và 08 em học bậc tiểu học. Có bé  hơn 2 tuổi đã được gia đình đưa đi học, các bé chưa tự đi được thì bố mẹ đưa đón, nhưng phần lớn các em sau một năm đều cùng nhau men theo đường mòn đến lớp. Theo lời của bà con trong bản, các em nhỏ ở đây rất thích đến lớp, thông thường từ 5h30p sáng đã từ nhà bắt đầu hành trình đi học cái chữ. Buổi trưa được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước có ăn trưa bằng mì tôm hoặc có em sẽ nắm cơm từ nhà đi.

Học sinh trên đỉnh Phia Khao rên đường đi học cái chữ
Đường đến trường

Gặp ông Hoàng Văn Minh - Trưởng thôn Phia Khao, hỏi về tình hình học tập ở nơi đây, ông phấn khởi cho biết: Nghe Đảng và Nhà nước tuyên truyền, bà con ở đây đều nắm được tầm quan trọng của cái chữ, trẻ con ở đây không có ai bỏ học cả. Mọi người đều ủng hộ việc đi học của con em, bản thân các cháu cũng rất ham học và ý thức cao trong việc đến trường.

Chị Ngô Thị Vàng-một phụ huynh có con đang theo học tại phân trường Khuổi Luông, chia sẻ chân thành: Ngày xưa nhà mình nghèo, khó khăn quá nên không được đi học. Nay mình có con, cố gắng cho hai đứa nó được học đầy đủ. Đi học về chúng nó biết nhiều lắm, mình nghe nó hát, nó kể chuyện ở lớp cũng thấy vui. Cố gắng cho con mình biết cái chữ, để đời con khác đời bố mẹ, dù thế nào cũng phải cho anh, em nó học xong lớp 12 mới được.


Phân trường Khuổi Luông chỉ có đến cấp tiểu học, để được học lên thì học sinh phải xuống các trường dưới  trung tâm xã, huyện. Vào Trường THCS Lãng Ngâm gặp các em đang nấu cơm trong căn bếp nhỏ, nơi đây hiện có 05 em là con của các hộ gia đình trên đỉnh Phia Khao theo học.

Em La Thị Phượng – học sinh lớp 6, Trường THCS Lãng Ngâm, người con của dân tộc Mông trên Phia Khao rụt rè tâm sự: Em theo các anh chị đi bộ xuống đây, mỗi tuần được về nhà một lần thôi, về nhà được gặp bố mẹ, gặp các em; còn phải đeo gạo, rau và bố mẹ cho 20 nghìn xuống mua đồ. Em ở nhà thì giúp bố mẹ làm nương, lấy củi, trông em… Mới xuống học nên em nhớ nhà nhiều lắm, nhưng sẽ cố gắng học thật tốt để sau này còn bớt khổ. Em sẽ luôn nhớ và nghe theo lờidặn của bố mẹ là “đi học đừng bỏ học”.

Lưu luyến tạm biệt Phia Khao, nơi có vẻ đẹp hoang dã của núi rừng và nụ cười thân thiện của những người Mông mến khách. Nhìn lại những mái nhà đơn sơ, chúng tôi nhớ đến những trăn trở của cô giáo Dũng: Người dân nơi đây còn nghèo quá, mong Đảng và Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp để bà con có thể phát triển hơn về kinh tế. Nếu được như vậy, các em sẽ được ăn no, mặc ấm và tạo mọi điều kiện để đi học và phát triển hơn nữa.

Đi trên những dốc đá gập ghềnh, con đường mòn mà các em nhỏ ngày ngày đi học cái chữ, trong tâm trí chúng  tôi lại nhớ lời bài hát Đi học xa “…Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần/ Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần”... Chúc các em nhỏ nơi đây luôn vững chân trên con đường học tập!

Xem thêm