Khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động tại một số doanh nghiệp

Những năm qua, với chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật... nên các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển, bắt kịp với những thay đổi chung của thị trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm ở địa phương.

Những năm qua, với chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật... nên các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển, bắt kịp với những thay đổi chung của thị trường, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm ở địa phương.

Tuy nhiên, với khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại, không đạt được kế hoạch đề ra, có doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động, hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể... Theo số liệu của các ngành chức năng, năm 2013 trên địa bàn tỉnh có trên 227 doanh nghiệp và 165 hợp tác xã đang hoạt động, với gần 6.000 lao động, giảm 125 doanh nghiệp so với năm 2012. Những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay xuất phát từ nguyên nhân lạm phát cao và kéo dài, làm cho chi phí đầu vào nguyên liệu, chi phí nhân công… tăng cao dẫn đến việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách của người lao động bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải cho người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động tại một số doanh nghiệp ảnh 1

Do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên có những thời điểm Công ty Cổ phần SAHABAK phải nợ lương công nhân từ 1-4 tháng.

Công ty Cổ phần SAHABAK là một trong những đơn vị doanh nghiệp đầu tiên triển khai đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động với công suất 3.000m3 sản phẩm/năm tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới), đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt trên 2,5 triệu đồng/người/tháng vào thời điểm nhà máy mới đi vào hoạt động. Còn hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu thiếu, chí phí sản xuất tăng cao khiến cho đơn vị phải cắt giảm nhân công đến mức tối đa và có thời điểm nợ lương công nhân từ 3-4 tháng.

Ông Lê Viết Thắng- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SAHABAK chia sẻ: Hiện công ty còn trên 200 lao động đang làm việc, so với thời điểm mới đi vào hoạt động thì số lượng công nhân đã giảm đi đáng kể. Những năm qua, công ty đã thực hiện đăng ký thang bảng lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện với mức tiền lương tối thiểu vùng được Chính phủ quy định; tham gia đóng bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn 24h cho người lao động trong toàn công ty… Tuy nhiên, thời gian trở lại đây đơn vị gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu nguồn nguyên liệu, nguồn hàng chậm tiêu thụ dẫn đến phải nợ lương công nhân, chậm thực hiện nghĩa vụ nộp bảo hiểm với các ngành chức năng.

Việc ký kết hợp đồng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định, mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều thực hiện khá tốt các quy định của Bộ luật Lao động trong tuyển dụng lao động, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, luôn ưu tiên đối với các lao động đóng trên địa bàn. Người lao động sau khi tuyển dụng được ký kết hợp đồng lao động theo quy định, trong đó có hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) và hợp đồng mùa vụ (dưới 12 tháng). Hợp đồng không xác định thời hạn chủ yếu được thực hiện đối với những người lao động có trình độ chuyên môn (cán bộ kỹ thuật, văn phòng), hợp đồng xác định thời hạn và hợp đồng mùa vụ thực hiện chủ yếu đối với lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Kạn Nguyễn Văn Sinh cho biết: Người lao động được tuyển dụng vào làm việc ở công ty chủ yếu là người địa phương chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 60 – 90%), đa số là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, trình độ học vấn thấp, nhận thức, ý thức về việc làm, thu nhập, quyền và nghĩa vụ thực hiện các chế độ, chính sách còn hạn chế. Một số trường hợp người lao động sau khi được đi đào tạo tự ý bỏ việc hoặc đi làm công việc khác (mặc dù đã có cam kết trước khi đi đào tạo) nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp về thời gian, chi phí tuyển dụng, đào tạo.

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động cũng như quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, các chế độ chính sách đối với trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... được quan tâm, thu nhập của người lao động ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong thực tế thì tại một số các đơn vị, doanh nghiệp công tác quản lý, sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định, nhất là việc khai trình sử dụng lao động; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động chưa thực sự hiệu quả; việc chấp hành nội quy, quy chế và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động chưa cao; một số doanh nghiệp còn chậm thanh toán bảo hiểm xã hội dẫn đến chế độ, chính sách của người lao động chưa được giải quyết kịp thời; chế độ tiền lương và một số chế độ chính sách của người lao động chưa giải quyết dứt điểm...

Trong thời gian tới, để các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ngày càng hoạt động hiệu quả gắn liền với thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động, cần có sự quan tâm hơn nữa từ các ngành chức năng của tỉnh trong việc giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh liên quan đến doanh nghiệp thuộc thẩm quyền. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh và giải quyết tốt hơn vấn đề lao động việc làm tại địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ luật lao động tại doanh nghiệp về các chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, nội quy, quy chế và thoả ước lao động tập thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Quý Đôn

Xem thêm