Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm ra hướng đi phát triển kinh tế ổn định, bền vững trên chính mảnh đất quê hương. Qua đó không chỉ giúp bản thân và gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, họ còn là những điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm ra hướng đi phát triển kinh tế ổn định, bền vững trên chính mảnh đất quê hương. Qua đó không chỉ giúp bản thân và gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, họ còn là những điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.

Ở thôn Nà Luông, xã Đại Sảo (Chợ Đồn), mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi cá và lợn rừng của ông Nguyễn Văn Xuất được nhiều người biết đến. Dẫn chúng tôi đến thăm khu sản xuất rộng hơn 8ha, ông Xuất cho biết: 10 năm về trước, đây chỉ là khu rừng trồng mỡ, keo ít được chăm sóc, cho giá trị kinh tế thấp. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây cam, quýt, đưa máy móc vào đào ao thả cá, đầu tư công sức chăm sóc, nuôi trồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Tận dụng khu đất thoải, có khe suối chảy qua, độ ẩm cao và khí hậu mát mẻ, ông Xuất tiến hành trồng 300 gốc quýt và một số loại cây ăn quả khác như: Ổi, cam, chanh tứ mùa... Sau 3 năm cây cho ra trái, sau 5 năm đã có thu hoạch đều đặn với sản lượng trung bình đạt gần 3 tấn mỗi năm.

Với tổng diện tích mặt nước hơn 5.000m2, ông Xuất ngăn bờ chia thành 3 ao cá, tập trung nuôi 2 loại cá chép, cá rô phi đơn tính. Để giảm chi phí chăn nuôi, không sử dụng cám tăng trọng, mỗi năm ông Xuất trồng 2.000 gốc sắn lấy củ để nuôi cá. Theo ông, cá được chăn bằng củ sắn rất nhanh lớn, ngắn mình, dầy thịt. Bà con địa phương ai cũng biết phương thức chăn nuôi của ông nên mỗi đợt thu hoạch đều tìm đến tận nơi mua. Mỗi năm ông Xuất bán từ 1,5 tấn cá trở lên, thu về khoảng 80 triệu đồng.

Ngoài ra, khi khai thác hết rừng keo lâu năm, ông Xuất tiến hành trồng quế và mỡ với diện tích 5ha. Đến nay, cây trồng đang phát triển tốt, dự kiến hơn một năm nữa sẽ thu hoạch. Không chỉ vậy, ông còn nuôi lợn rừng theo phương thức bán hoang dã, mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng.

Mô hình trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Xuất đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Mô hình trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Xuất đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Với lòng đam mê nông nghiệp cùng ý chí vươn lên, anh Ma Văn Bách ở thôn Nà Nộc, xã Bành Trạch (Ba Bể) đã tìm đến các nhà vườn tại huyện Đông Anh (Hà Nội) để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 2015, anh đầu tư trồng 200 cây táo lai lê và 80 cây ổi trên 2.000m2 đất soi bãi của gia đình. Anh Bách cho biết: Nằm ở ven con sông Năng nên đất đai ở thôn Nà Nộc được phù sa bồi đắp, tơi xốp, phù hợp với các loại cây. Táo và ổi sau khi trồng từ 9 – 12 tháng là cho thu hoạch. Nhờ có nhiều kinh nghiệm và được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên cây cho quả to đều, sáng bóng, có độ ngọt cao. Năm 2018, anh mạnh dạn thuê thêm 3.000m2 tại khu Nà Bản (thuộc thôn Pác Châm) để mở rộng diện tích cây trồng.

Hiện trung bình mỗi năm, vườn cây ăn qủa của gia đình anh Bách cho sản lượng 6,4 tấn táo, 5 tấn ổi. Để tận dụng nguồn mật hoa tự nhiên, anh Bách còn mạnh dạn đầu tư nuôi ong với số lượng 40 thùng, mỗi năm thu về khoảng 230 lít mật. Sau khi trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình anh đạt trên 200 triệu đồng/năm. Mô hình trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của anh được nhiều hộ đến tham quan, học tập; anh cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người để cùng nhau phát triển, nhân rộng mô hình.

Từ năm 2015 đến nay, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội Nông dân phát động được đông đảo hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm, có trên 21.000 hộ gia đình được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng, trong đó có hơn 300 tấm gương nông dân được Chính phủ, Trung ương Hội tặng Bằng khen và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Tiêu biểu như: Ông Lưu Trấn Thụ (xã Quang Thuận, Bạch Thông) đã có mức thu nhập đạt trên 600 triệu đồng/năm từ phát triển trồng cây ăn quả; bà Triệu Thị Tá (xã Yến Dương, Ba Bể) với mô hình sản xuất miến dong có mức thu nhập trung bình đạt 500 triệu đồng/năm; ông Nông Đức Khí (xã Đồng Lạc, Chợ Đồn) với mô hình chăn nuôi, dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương...

Nhờ ý chí vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, những mô hình phát triển kinh tế trong hội viên ngày càng được nhân rộng. Cách làm của họ đã khích lệ, động viên hàng ngàn hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo từ 16.353 (năm 2015), chiếm 32,8% xuống còn 11.804 hộ (năm 2019), chiếm 23,6% so với tổng số hội viên.

Ông Lưu Văn Quảng- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định: Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững” được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn chú trọng triển khai, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình, tiên tiến, họ là những tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thu Hường

Xem thêm