Lớp học vùng sâu

                                                                                       Phóng sự

                                                                                       Phóng sự

Vượt qua gần 20km đường rừng, chúng tôi đến thôn Nặm Tốc, xã Đôn Phong (Bạch Thông), nơi có hơn bốn mươi hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống. Giao thông cách trở, cuộc sống khó khăn khiến cho sự học của con em đồng bào nơi đây cũng trở nên gian nan gấp bội.

Gian nan học chữ.

Trận mưa đêm hôm trước khiến cho con đường từ thôn Nà Váng đến Nặm Tốc càng trở nên sình lầy, khó đi hơn bao giờ hết. Nặm Tốc theo tiếng địa phương có nghĩa là nước rơi, giáp với xã Rã Bản của huyện Chợ Đồn. Sau một giờ đồng hồ đi bằng xe máy và cuốc bộ qua những đoạn  đường dốc trơn trượt chúng tôi đã có mặt tại thôn Nặm Tốc.

Lớp ghép 3 trình độ bậc tiểu học tại điểm trường Nặm Tốc.
Lớp ghép 3 trình độ bậc tiểu học tại điểm trường Nặm Tốc.

 Thôn có 42 hộ, hơn 200 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Nơi đây có 3 lớp học của bậc mầm non và tiểu học. Lớp học có vách được ghép bằng những tấm gỗ, mái lợp phibroximăng, nền đất gồ ghề, tiếng giảng bài và tập đọc của cô giáo và các em học sinh đã phần nào xua đi sự tĩnh lặng của núi rừng.

 Tiếp chúng tôi, cô giáo Nông Thị Vân chia sẻ: những ngày đầu đến đây mỗi lần leo núi vào bản tưởng như đứt hơi, vừa đi vừa nghỉ không biết bao chặng mới đến nơi. Nhưng đi mãi rồi cũng thành quen, ở đây có sự đùm bọc giúp đỡ của bà con thôn, bản, sự chăm ngoan của các em học sinh là nguồn vui rất lớn.

Theo luân phiên thì đây là lần thứ 6 cô Vân lên dạy học ở điểm trường Nặm Tốc, năm học này cô dạy lớp ghép 3, 4 và 5. Lớp học của cô một bên được ngăn cách bằng những tấm ván gỗ dùng để làm nơi nấu ăn và nghỉ ngơi.

 Ở điểm trường Nặm Tốc có 01 lớp học mầm non với 11 cháu và 2 lớp ghép 5 trình độ của bậc tiểu học với 25 học sinh. Ở phân trường này các em học 3 buổi sáng, chiều và ôn tập vào buổi tối. Phần lớn nhà các em ở khá xa phân trường, một số ở tận khu Ngạm Han cách điểm trường 8km đường rừng.Vì vậy hầu hết đều ở trọ tại nhà anh em họ hàng để học, đến tết hoặc nghỉ hè mới trở về với gia đình.

Thấy tôi có vẻ thắc mắc về 3 cái bảng được đặt ở 3 góc khác nhau trong lớp học, cô Vân giải thích: Do đây là lớp ghép 3 trình độ 3,4,5, mỗi lớp chỉ có 2 đến 3 em vì vậy trong một tiết học một cô phải dạy 3 chương trình với ba giáo án khác nhau. Cứ cho các em lớp 3 viết bài xong cô lại quay sang giảng bài cho các em lớp 4 và 5.

Bữa ăn trưa đạm bạc của học sinh mầm non tại điểm trường.
Bữa ăn trưa đạm bạc của học sinh mầm non tại điểm trường.

Cạnh lớp cô Vân là lớp học của 11 em học sinh mầm non do cô giáo Đinh Thị Mai Hồng giảng dạy. Đang nhanh tay chia cặp lồng cơm cho các cháu ăn bữa trưa, cô Hồng cho hay: đây là những cặp lồng cơm được gia đình các bé chuẩn bị và mang theo tới lớp để ăn bữa trưa và chiều.

Chứng kiến bữa ăn của các em mới thấy hết được sự thiếu thốn đến nhường nào, trong mỗi hộp cơm chỉ là cơm trắng, ngô độn cơm, ngô xay nấu, hộp cơm nào “sang” lắm cũng chỉ có thêm vài cọng đỗ già và ít bí, vậy mà các em vẫn ăn ngon lành. Cô Hồng cho biết thêm, vì điều kiện gia đình các em quá nghèo nên bữa ăn cũng đạm bạc như vậy, đối với trẻ mầm non thì không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, thương học sinh nhưng các cô cũng không biết phải làm sao, nhiều em còn không có đủ quần áo mặc, đến lớp bị ướt cô lại mang giặt phơi khô rồi cho học sinh mặc.

Sau bữa ăn trưa, chúng tôi chia kẹo cho các cháu, bé nào cũng phấn khởi vui mừng, dường như ở nơi non cao này kẹo là thứ xa xỉ đối với bọn trẻ. Sự học của các em ở đây vô cùng gian nan khi mọi thứ đều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, phần lớn gia đình học sinh đều là hộ nghèo càng khiến cho con đường đến trường của các em trở nên gập gềnh hơn bao giờ hết. Thế nhưng mọi sự thiếu thốn chẳng hề ngăn được những bàn chân nhỏ nối nhau hướng về lớp học nằm trên lưng chừng núi, nơi các em được học cái chữ, được biết tiếng phổ thông. Ở bản vùng cao này, các cô giáo phải tự học tiếng Dao để giao tiếp với đồng bào, đặc biệt là các em học sinh.

Được biết, học sinh ở phân trường Nặm Tốc được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập 70.000đồng/tháng, miễn học phí và được tổ chức SIQEP hỗ trợ 2 bữa ăn trưa trong tuần cho 11 em học sinh có nhà ở xa. Do lương thực, thực phẩm ở đây thiếu thốn, vận chuyển khó khăn nên các em được chuyển sang ăn mì tôm, tương đương với số tiền được hỗ trợ.

Vượt rừng cõng chữ lên non.

Cô giáo Nông Thị Vân, Nông Thị Tiềm, Đinh Thị Hồng Vân đều là người ở thành phố Bắc Kạn, năm học mới này được luân chuyển lên dạy tại điểm trường Nặm Tốc. Đầu tuần cô lên lớp dạy học cuối tuần lại xuống núi trở về với gia đình, cứ như thế đôi chân của các cô đã băng qua bao đá, bao suối để mang cái chữ đến với học trò nghèo vùng cao. Có lẽ đối với các cô giáo ở điểm trường Nặm Tốc thì ngoài tình yêu nghề còn đòi hỏi phải có sức bền để leo núi.

Học sinh ở điểm trường Nặm Tốc trong giờ ra chơi.
Học sinh ở điểm trường Nặm Tốc trong giờ ra chơi.

  Do ở xa trung tâm nên mỗi khi trở lại phân trường là các cô lại thồ theo thức ăn dự trữ cho cả tuần như cá khô, tép khô, lạc, muối vừng, còn rau xanh chủ yếu là rau rừng như rau dớn, bò khai. Cô Tiềm cho hay, có hôm chẳng may hết gạo, cô đi khắp bản mà không mua được do nhà nào cũng thiếu gạo ăn vài tháng nói gì đến có gạo để bán. Thương học trò nghèo, các cô còn mang quần áo cũ và bánh kẹo từ nhà lên cho các em học sinh của mình.

Hôm chúng tôi đến, vừa kết thúc buổi học sáng là cô Vân, cô Hồng lại tất tả xuống núi để tìm nước. Theo cô Vân, thì do trận mưa đêm hôm trước đã khiến cho rác tràn về làm tắc đường ống nước ở đầu nguồn nên chỗ các cô ở bị mất nước, sinh hoạt hằng ngày gặp khó khăn. Vì vậy, sau mỗi buổi học các cô lại đi bộ xuống nhà dân cách đó một đoạn để xách từng xô nước về dùng.

Một điều may mắn là dù trong điều kiện khó khăn thiếu thốn nhưng thấy tinh thần ham học, đến lớp đầy đủ của các em học sinh đã giúp cho các cô có thêm động lực để miệt mài bám trường, bám lớp “ươm” những mầm xanh trên đỉnh núi cao này.

Chia tay cô giáo và các em học sinh ở Nặm Tốc chúng tôi xuống núi khi trời đã xế chiều, cơn mưa rừng đã bắt đầu rơi nặng hạt, lại phải đối mặt với đoạn đường lầy lội, nhưng dù chuyến đi này có gian nan đến mấy cũng không bằng sự gian nan đến với con chữ của học sinh nơi đây. Chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng câu nói của cô giáo Vân" chỉ mong sao Nặm Tốc được đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, giúp các em có nơi học tập tốt hơn".

Hà Thanh

Xem thêm