Một số ý kiến về hợp tác trong phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc

Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX – năm 2015, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc", đại diện các tỉnh tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch; đồng thời, đưa ra ý kiến nhằm cải thiện, nâng cao sự hợp tác giữa các tỉnh về vấn đề này...

Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ IX – năm 2015, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc", đại diện các tỉnh tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch; đồng thời, đưa ra ý kiến nhằm cải thiện, nâng cao sự hợp tác giữa các tỉnh về vấn đề này...

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung đóng góp những ý kiến tâm huyết về phát triển du lịch hồ Ba Bể của Bắc Kạn. Đồng thời, qua đó nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài, tạo mối liên kết thành một khu vực phát triển du lịch chung trong vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng chí Dương Quang Ứng Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc
Đồng chí Dương Quang Ứng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Để du lịch hồ Ba Bể nói riêng và ngành du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung ngày càng phát triển bền vững trong những năm tới, đồng chí Dương Quang Ứng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra một số ý kiến như: Cần tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước của mỗi tỉnh, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch. Tăng cường liên kết phát triển hạ tầng du lịch, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, chú trọng cải thiện các tuyến đường nối các điểm, khu du lịch nội tỉnh và liên tỉnh. Phối hợp trong công tác xúc tiến du lịch; xây dựng quỹ xúc tiến du lịch vùng; liên kết đường dẫn, đăng tải thông tin du lịch lẫn nhau trên trang website để cập nhật thường xuyên các dữ liệu về tài nguyên du lịch, các tour, tuyến, điểm du lịch, lượng khách, nguồn khách, sự phát triển của các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực; các sự kiện tại mỗi tỉnh phải có nội dung giới thiệu, quảng bá cho du lịch các tỉnh bạn và ngược lại; xây dựng bản đồ chung của 10 tỉnh trong vùng Đông Bắc…

đồng chí Nguyễn Thế Chính - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí Nguyễn Thế Chính- Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

Đại diện tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Thế Chính- Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa ra một số giải pháp đó là: Nên thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch vùng Đông Bắc, thành viên là các tỉnh. Hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, giải quyết đánh giá tình hình thực hiện công tác phát triển du lịch, giải quyết các vấn đề vướng mắc nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch của vùng phát triển. Các tỉnh cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương như du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; xây dựng tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng. Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch. Phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các địa bàn du lịch trọng điểm; tạo môi trường đầu tư thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước; chính sách mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí mới, các ngành nghề ưu tiên. Tập trung đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đồng chí Đặng Quốc Sử- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang, bày tỏ: Cần phát triển và nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ, thương mại, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải hành khách, phát triển Công ty lữ hành; mở rộng quan hệ đối ngoại, để kêu gọi thu hút các nguồn đầu tư vào địa bàn từ các thành phần kinh tế. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng phát triển các dịch vụ chất lượng cao. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trong lĩnh vực du lịch.

Đồng chí Đặng Quốc Sử - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang.
Đồng chí Đặng Quốc Sử- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang.

Về liên kết, cần tập trung thực hiện tốt phát triển sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng tương đồng như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm leo núi và thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, các lễ hộị, văn nghệ dân gian… Trên cơ sở tiềm năng đó, cần huy động các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, đầu tư các loại hình du lịch này trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của các tour du lịch trong mối liên kết. Song song với đó, đẩy mạnh liên kết trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác quốc tế về du lịch; liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết hợp tác xây dựng không gian kinh tế du lịch vùng trên cơ sở; liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành các tỉnh vùng Đông Bắc trong việc đầu tư các dự án mang tầm cỡ cho vùng.

Doanh nhân Vũ Bích Liên – Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Xúc tiến Thương mại tỉnh Lạng Sơn.
Ông Vũ Bích Liên– Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn.

Doanh nhân Vũ Bích Liên– Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch có uy tín nhiều năm nay, chủ yếu là kết nối tổ chức các tuor cho khách từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, trong đó có cả du khách của Bắc Kạn đi tuor du lịch từ Lạng Sơn đến Quảng Tây (Trung Quốc), được du khách đánh giá rất cao về chất lượng cũng như thái độ phục vụ của nhà làm du lịch, nhưng từ trước đến nay chưa có một sự kết nối hay hợp tác đầu tư nào từ các nhà đầu tư, dịch vụ lữ hành của Bắc Kạn với công ty trong việc tổ chức tuor. Đây là điều hết sức thiệt thòi đối với du khách khi không có sự liên kết trong phát triển du lịch của các nhà doanh nghiệp hai tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, Công ty Cổ phần du lịch và xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước hai tỉnh tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong vùng Đông Bắc…

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn– Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng: Hiện nay các tỉnh khu vực tiểu vùng Đông Bắc tuy đã đạt nhiều thành tự trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tuy nhiên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn hạn chế. Mặc dù các tỉnh khu vực có điều kiện phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái cũng như văn hóa, lịch sử nhưng hiệu quả khai thác chưa cao. Lượng khách du lịch đến những tỉnh này chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế không nhiều. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của vùng còn đơn điệu, chưa có đầu tư nghiên cứu đúng mức. Các khu, điểm chưa được quan tâm chú ý để quy hoạch hoạt động du lịch. Vì thế, du lịch sinh thái ở những khu vực này chủ yếu là tự phát, du lịch văn hóa, lịch sử chưa khai thác hết thế mạnh vốn có.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn– Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam.

Để phát huy thế mạnh du lịch của tiểu vùng Đông Bắc, trong thời gian tới, các tỉnh cần đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng các tour du lịch sinh thái đặc thù, tour du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn. Trước hết, nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tỉnh trong khu vực. Tiếp đến, là cần có sự đầu tư thích đáng cho các điểm du lịch, khu du lịch và đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương. Bên cạnh các tour du lịch sinh thái, cần đầu tư hơn nữa trong việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn. Sự kết hợp giữa việc tham quan các cánh rừng nguyên sinh, hang động với việc tìm hiểu các di tích lịch sử, tham dự các lễ hội, làng nghề truyền thống tại vùng đất Đông Bắc sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với mỗi chương trình du lịch nơi đây.

Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với phát huy khai thác du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng sẽ đồng thời góp phần bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giữ gìn bản sắc các dân tộc khu vực vùng Đông Bắc; đem lại nguồn thu cho cộng đồng dân cư bản địa. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng vùng Đông Bắc có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng, đặc sắc và tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, vô cùng hấp dẫn và đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong khu vực để hình thành những tour, tuyến du lịch đặc thù chắc chắn sẽ tạo được nét đặc trưng riêng của sản phẩm du lịch tiểu vùng Đông Bắc, góp phần phát huy, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng phát triển và hướng tới một thương hiệu du lịch mới, thu hút mạnh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với vùng trong những năm tới đây./.

Thực hiện: Quý Đôn

Xem thêm