Người "Thương binh tàn nhưng không phế"

Là cựu chiến binh (CCB) mang trên mình nhiều thương tật, nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, CCB Hoàng Đức Hùng ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến (Bạch Thông) luôn tích cực phát triển kinh tế và tham gia các phong trào ở địa phương.

Là cựu chiến binh (CCB) mang trên mình nhiều thương tật, nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, CCB Hoàng Đức Hùng ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến (Bạch Thông) luôn tích cực phát triển kinh tế và tham gia các phong trào ở địa phương.

Ông Hoàng Đức Hùng với mô hình chăn nuôi cá
Ông Hoàng Đức Hùng với mô hình chăn nuôi cá

                
Chiến đấu kiên cường
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1969 chàng trai trẻ Hoàng Đức Hùng đã tự nguyện xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng ở Thái Nguyên, ông đã được điều động vào đơn vị C20E9b Trung đoàn 9, trực tiếp chiếu đấu tại mặt trận Nam Lào. Với vai trò là chiến sĩ đặc công làm nhiệm vụ thông tin, dò mìn, bộc phá... trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn đủ bề, nhiều lúc cận kề cái chết nhưng ông và đồng đội đã chiến đấu kiên cường và dành được nhiều thắng lợi, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Từ năm 1970 - 1975, ông đã tham gia 42 trận đánh lớn nhỏ, trong đó đáng chú ý là  các trận đánh tại Cao nguyên Boloven, ngã ba Lào Ngam, thị trấn Pắc Xòng (một huyện của tỉnh Chămpaxắc- Lào), mỗi trận đánh đều để lại dấu ấn sâu sắc. Tại đây ông từng bắt sống 2 tù binh người Thái Lan, đánh tiêu hao sinh lực địch, cũng trong thời gian này ông đã bị thương 4 lần và 2 lần phải vào viện. Với tinh thần chiến đấu quả cảm, ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến đấu hạng Hai, Huân chương chiến công hạng Nhất.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Hoàng Đức Hùng đã được cử đi học tập tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương 2,  sau đó tiếp tục tham gia làm việc tại Kho Cục Quân khí, rồi là Đại úy, giữ chức Chủ nhiệm Kho K890 Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), đến năm 2009 khi đang là Đại tá, Chủ nhiệm Kho KV3 Cục Quân khí, ông về nghỉ hưu. Trải qua nhiều vị trí chiến đấu, công tác khác nhau ông đã được nhận nhiều Bằng khen của Tổng cục Kỹ thuật và Bộ Quốc phòng, các Huân, Huy chương chiến đấu do Nhà nước trao tặng.

Tích cực phát triển kinh tế
Trở về quê hương tại thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông để sinh sống. Mặc dù là thương binh và người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, mang nhiều thương tật, sức khỏe yếu, bệnh tật hành hạ nhưng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Hùng luôn ghi nhớ và thực hiện theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông đã bắt tay vào phát triển kinh tế, động viên gia đình tích cực tìm hiểu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tham gia triển khai mô hình sản xuất 100 triệu đồng/ha. Hằng năm gia đình đã đăng ký thực hiện 0,15ha với công thức luân canh 2 lúa - 1 màu, chăn nuôi gia súc. Từ năm 2012 ông đã mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi từ chăn nuôi lợn lai sang nuôi lợn rừng, với quy mô trên 40 con, bình quân xuất bán 200kg/năm.


Bên cạnh nuôi lợn rừng, gia đình ông Hoàng Đức Hùng còn chăn nuôi cá với quy mô trên 300m2, mỗi năm thu được trên 100kg. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Hùng còn tích cực tham gia các buổi lao động công ích như: Quét dọn đường làng ngõ xóm, bảo vệ cảnh quan môi trường "xanh, sạch, đẹp".


 Trong cuộc sống gia đình, ông luôn gương mẫu cho con, cháu học tập và noi theo. Hiện, ông có 2 người con công tác trong ngành quân đội ở Thái Nguyên, một người đi  xuất khẩu lao động nước ngoài. 


Với những đóng góp của ông trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tích cực phát triển kinh tế và tham gia các phong trào ở địa phương, ông Hùng xứng đáng là tấm gương CCB tiêu biểu cho các thế hệ học tập và noi theo/..


Nguyễn Thị Linh
(Lớp Báo chí K13, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên)

 

Xem thêm