Nhiều hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình được tạo việc làm


 

Ngày 29/01/2010 Đảng bộ huyện Chợ Mới khóa III đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ/HU về giải quyết việc làm cho nhân dân bị thu hồi đất canh tác để xây dựng khu công nghiệp Thanh Bình. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, nhiều hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đã được giải quyết việc làm theo đúng chủ trương, chính sách đề ra, giúp họ dần ổn định cuộc sống.

Một số lao động có đất bị thu hồi đã được giải quyết việc làm tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Một số lao động có đất bị thu hồi đã được giải quyết việc làm tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Nằm trên diện tích đất bị thu hồi phục vụ xây dựng khu công nghiệp Thanh Bình có khoảng 158 hộ thuộc các thôn Nà Nâm, Khuổi Tai, Cốc Po, Bản Chàng. Sau khi nhà nước thu hồi đất đời sống hầu hết của các hộ dân nơi đây đều rất khó khăn bấp bênh vì thiếu đất sản xuất, dư thời gian nhàn rỗi do thiếu việc làm, theo thống kê có khoảng 410 người nằm ở độ tuổi lao động cần giải quyết việc làm. Nhiệm vụ đặt ra lúc này đặt ra với cấp ủy, chính quyết huyện Chợ Mới là phải có định hướng nhất định để tạo việc làm cho người dân bị mất đất canh tác. Xuất phát từ yêu cầu trên Đảng bộ huyện Chợ Mới đã ban hành Nghị quyết số 33 về vấn đề giải quyết việc làm cho nhân dân bị thu hồi đất canh tác, đây được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay sau khi ban hành nghị quyết, BCH Đảng bộ huyện đã phổ biến đến các chi đảng bộ trong toàn huyện, quán triệt cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện hiểu mục tiêu, yêu cầu giải quyết việc làm cho nhân dân bị thu hồi đất canh tác để xây dựng khu công nghiệp.


Sau 2 năm tiến hành triển khai, nghị quyết đã tập trung vào 4 vấn đề cơ bản gồm: Tạo việc làm mới thông qua vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tại nội dung này Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai cho 67 hộ dân bị thu hồi được vay vốn là 1 tỷ 663 triệu đồng. Nguồn vốn được đầu tư cụ thể vào các chương trình mua sắm các loại vật tư, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, mở dịch vụ…Tuy ở chương trình cho vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài,  thời gian qua mặc dù có 7 doanh nghiệp tham gia tuyển lao động nhưng không có lao động nào đăng ký  vì vậy không có địa chỉ để giải ngân.

Vấn đề tiếp theo mà nghị quyết chú trọng tới đó là nâng cao chất lượng  đào tạo nghề cho người lao động, sau 2 năm các cơ quan đào tạo nghề phối hợp cùng các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai được các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Cụ thể đào tạo ngắn hạn và giải quyết việc làm cho 129 lao động tại công ty Sahabak, đào tạo nghề dài hạn cho 11 lao động. Mục tiêu của các lớp đào tạo này là nhằm định hướng nghề nghiệp cho người lao động, hỗ trợ cho họ có điều kiện và tự tìm việ và giải quyết việc làm.


Nằm trong nội dung giải quyết việc làm, nghị quyết còn hỗ trợ 100% giống cây trồng vật nuôi cho các hộ dân còn thiếu đất sản xuất, năm 2011 ngành nông nghiệp đã lồng nghép với Đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của huyện thực hiện hỗ trợ cho 21/158 hộ với tổng kinh phí gần 20 triệu động để mua cây cam, quýt, chè, cây hồng. Tuy nhiên hiệu quả từ việc hỗ trợ thông qua hình thức này chưa cao. Kết quả tiếp theo mà nghị quyết đạt được đó là việc phối hợp với các doanh nghiệp bố trí công việc ổn định cho người lao động. Tính đến nay tổng số lao động của các hộ bị thu hồi đất hiện đang làm việc tại khu công nghiệp Thanh Bình là 145 người, trong đó số lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Sahabak là 129, công ty TNHH Vạn Lợi là 6, tại Công ty Matexim là 8, Công ty cấp thoát nước 1 và số lao động làm tại Ban quản lý các khu công nghiệp 1.

Rõ ràng công tác giải quyết việc làm cho những người bị thu hồi đất ở khu công nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện Chợ Mới mặc dù mọi mặt thu về chưa hẳn là tuyệt đối nhưng có thể nhận thấy phần nào những chính sách ưu việt mà nghị quyết đã mang lại. Để tiếp tục quán triệt nội dung của nghị quyết số 33 trong thời gian tới thì vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan chuyên môn từ huyện tới cơ sở cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các doanh nghiệp có cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động cũng như đào tạo nghề cho lao động địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp; huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình, dự án khác nhằm đảm bảo cho người dân bị thu hồi đất có đủ điều kiện để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống./.

Thu Trang

Xem thêm