Nhìn lại công tác xuất khẩu lao động

Qua hơn hai năm tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện theo QĐ 71/2009/QĐ-TTg, đến nay công tác xuất khẩu lao động của toàn tỉnh có những tín hiệu khả quan, đặc biệt tạo điều kiện cho hai huyện nghèo là Ba Bể và Pác Nặm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Qua hơn hai năm tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện theo QĐ 71/2009/QĐ-TTg, đến nay công tác xuất khẩu lao động của toàn tỉnh có những tín hiệu khả quan, đặc biệt tạo điều kiện cho hai huyện nghèo là Ba Bể và Pác Nặm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Tín hiệu khả quan

Hiện nay theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, số lao động đã đăng ký là 593 người, số lao động tham gia đào tạo là 452 người và số lao động xuất cảnh là 262 người. Có thể nói, công tác xuất khẩu lao động trong những năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự cố gắng của các ngành, các cấp, các địa phương đã từng bước tháo gỡ những “sợi dây” còn vướng mắc nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ về xuất khẩu lao động trên toàn tỉnh.

Lớp học tiếng Hàn
Lớp học tiếng Hàn

Những địa phương như huyện Ba Bể và Pác Nặm là huyện có nhiều nguồn lao động dồi dào, bên cạnh công tác đào tạo nghề nhiều lao động đã có công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Song bên cạnh đó, còn rất nhiều trường hợp lao động nhàn rỗi. Theo ông Dương Văn Kinh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ba Bể cho biết: Trong những năm trước thì việc tuyên truyền vận động người dân đi lao động ở nước ngoài còn rất mơ hồ đối với họ. Nhưng mọi cố gắng của các cấp ngành đã không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền đến các xã, khuyến khích người dân tham gia công tác xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, đến nay huyện đã có những dấu hiệu khả quan tích cực về người dân nhận thức vấn đề phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo theo hướng xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tại các xã như: Quảng Khê, Khang Ninh và Phúc Lộc được tăng cường tuyên truyền sâu rộng và có nhiều lao động hưởng ứng nhiệt tình.

Thị trường xuất khẩu lao động tại các nước Hàn Quốc và Nhật Bản được người dân tham gia nhiều nhất. Còn các nước khác cũng được người lao động quan tâm, tính từ năm 2010 đến nay, huyện Pác Nặm có tổng số 108 lao động xuất khẩu và huyện Ba Bể 154 lao động đi xuất khẩu tại các nước Malaysia, Ma Cao, Libya…Trong năm 2011 UBND hai huyện nghèo đã tổ chức tuyển chọn và đưa 48 lao động tham dự lớp đào tạo tiếng Hàn (được hỗ trợ theo QĐ71), do Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp tổ chức đào tạo để chuẩn bị tham dự kỳ thi tiếng Hàn dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Kết quả có 32 lao động đạt kỳ thi tiếng Hàn và hoàn thiện hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Đến giữa năm 2012 đã có 15 lao động tham dự đào tạo giáo dục định hướng chuẩn bị sang làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2012 số lao động đang học tiếng Hàn được hỗ trợ theo QĐ 71/2009/QĐ-TTg là 48 người. Còn đối với lao động tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, Trung tâm lao động ngoài nước, Văn phòng IMM Japan tại Việt Nam đã phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức giới thiệu về chương trình tu nghiệp sinh tại Nhật bản theo QĐ 71 cho 30 ứng viên của tỉnh để dự tuyển, trong đó có 12 lao động đáp ứng được yêu cầu và đã xuất cảnh.

Thoát nghèo bằng hướng xuất khẩu lao động

Những năm qua, nhờ công tác xuất khẩu lao động đã có nhiều người dân được thoát nghèo. Đồng chí Hoàng Văn Cát, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm cho biết: Thu nhập bình  quân của người lao động đi xuất khẩu lao động là khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có thể tiết kiệm và gửi về gia đình được khoảng 5 triệu đồng. Có thể nói xuất khẩu lao động là con đường giảm nghèo nhanh nhất đối với người dân Bắc Kạn nói chung và các xã của hai huyện 30a là Ba Bể và Pác Nặm nói riêng.


Bên cạnh những thuận lợi, thì vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động. Đồng chí Nguyễn Tiến Cương-Trưởng phòng Quản lý việc làm Sở LĐTB&XH cho biết: Trong ba năm qua, số đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại hai huyện nghèo là gần 600 người- trong đó số lao động tham gia đào tạo là 452 người. Hầu hết hạn hợp đồng xuất khẩu là 2 năm, song chính vì không thích nghi được với môi trường lao động nên đã có 165 tổng số lao động xin về nước trước hạn. Lybia trước đây được coi là thị trường chủ yếu để đẩy mạnh công tác xuất khẩu của tỉnh theo Quyết định 71, nhưng do tình hình khủng hoảng chính trị tại nước này nên công tác xuất khẩu lao động của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay thị trường Malaysia đang là thị trường chủ yếu của lao động tại hai huyện nghèo. Tuy nhiên những thị trường này chưa thực sự thu hút được người lao động tham gia, do những thông tin không về thu nhập, điều kiện làm việc cũng như chế độ đãi ngộ khi làm việc.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường  lao động, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao. Ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn kém. Đồng thời ý thức vươn lên thoát nghèo của người lao động chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Tiến Cương cho biết thêm: Số lượng lao động được hưởng chính sách theo Quyết định 71, sau khi học xong giáo dục định hướng bỏ xuất cảnh vẫn còn nhiều. Việc làm này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai xuất khẩu lao động tại hai huyện nghèo cũng như công tác xuất khẩu lao động chung của cả tỉnh. Đồng thời công tác tuyển chọn lao động và tổ chức quản lý lao động ở nước ngoài của một số doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp không có văn phòng quản lý người lao động tại các nước tiếp nhận người lao động sang làm việc. Theo quy định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời về công tác xuất khẩu lao động cho Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh không báo cáo kịp thời hoặc không báo cáo nên việc cập nhật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được chính xác.

Để giải quyết được những định hướng về xuất khẩu lao động đối với người dân trên toàn tỉnh, đặc biệt là hai huyện nghèo, thì các ngành, các cấp phải đồng bộ vào cuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, triển khai công tác xuất khẩu lao động. Cụ thể là các nội dung như: Giải quyết các thủ tục cấp hộ chiếu nhanh gọn, đảm bảo lao động không phải chờ hộ chiếu; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động vay vốn đảm bảo đủ và kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa thông tin đến với người dân, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động là bước đi đúng, có hiệu quả thiết thực trong công cuộc giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

Lưu Bích

Xem thêm